Thứ Tư, 25 tháng 7, 2012

Họ là nhà báo hay nhà văn viết truyện khiêu dâm?


Các bài báo “sex” nhuốm màu sắc hư cấu đang đầy rẫy trên báo chí Việt Nam hiện nay có thể coi là một loại hình văn học khiêu dâm được hợp thức và công khai hoá dưới hình thức báo chí.
Bài viết của độc giả Lê Hùng (TP HCM) viết riêng cho REDS.VN. Bài cùng tác giả: BBC Việt ngữ rẻ tiền đến mức nào?)
Buổi tối nay, tôi lướt Facebook, thấy cả chục bạn trẻ trong Friendlist đồng loạt chia sẻ bài viết có tiêu đề “Thầy giáo yêu 20 cô gái không ai còn trinh trắng”.

Nội dung bài viết có thể tóm gọn trong phần giới thiệu đầu bài báo như sau: “Với kinh nghiệm yêu đương trong 2 năm, vào nhà nghỉ với khoảng 20 cô, tôi khẳng định 99% con gái bây giờ không còn trinh trắng, 1% còn lại không dở hơi, thần kinh thì cũng chả ra gì”, anh Nguyễn Trung Kiên (30 tuổi, giáo viên một trường tiểu học trên địa bàn quận Thanh Xuân, HN) chia sẻ.

Phía dưới bài viết, tôi thấy các bạn sôi nổi “ném đá” nhân vật giáo viên trong bài viết bằng những lời lẽ nặng nề nhất.

Và tôi cho rằng các bạn đã “ném đá” nhấm đối tượng.

Trong câu chuyện này, tôi không thể không đặt ra một số câu hỏi.

Thật sự có nhân vật như vậy, câu chuyện như vậy không, hay nhà báo “sáng tác” ra?

Với câu hỏi này, chỉ có người viết mới đưa ra được câu trả lời chính xác. Tôi không dám đưa ra kết luận, dù theo cảm tính, tôi thấy nó sặc mùi hư cấu, như rất nhiều bài báo tương tự xuất hiện trên chuyên mục “Đời sống”, “Tình yêu”, “Tâm sự” v..v của các trang mạng thời gian qua.

Điểm chung của các bài báo này là nhấn mạnh yếu tố “sex”, với những tình tiết rất “kích động”, thể hiện ngay ở cái title. Ví dụ như: "Chồng ngoại tình vì chê “cô bé” của tôi nhỏ"; "Vợ tôi thủ dâm bằng một bóng đèn quả nhót"; "Phát hiện chồng hiến tinh trùng... trực tiếp"; "Xin lỗi, em không cướp chồng chị!"; "Tôi lừa gạt tình để trả thù anh"; "Đừng bắt tôi phải ngoại tình!"; "Vào nhà nghỉ với bồ, bố gặp con đi cùng tình trẻ"; "Chồng tôi thề chỉ thử xem ôsin còn hay mất trinh"; "Lần đầu tiên tôi ăn vụng đã làm cô ấy có thai"; "Dân văn phòng gần như ai cũng... ngoại tình!"; "Thỏa mãn cùng lúc với 3 người, tôi ghê tởm chính mình"; "Kết cục bi thảm vì “quan hệ” với em vợ"; "Tôi đang mang thai đứa con của anh rể"; "Mẹ van xin con gái cho được ngoại tình"; "Hứng tình, mẹ mạnh tay chi tiền cho "trai bao""; "Em cứ sexy quá đà, anh chết mất!"; "Tôi bị con riêng của mẹ kế cưỡng hiếp... v..v

Những bài viết dạng này thường có nội dung lâm ly, bi đát, và không thể nào kiểm chứng được mức độ chân thực.

Liệu có bao nhiêu phần trăm trong số đó không phải là chuyện bịa? Tôi không nghĩ rằng có nhiều người rỗi hơi đến mức đi tâm sự hết những nỗi niềm sâu kín của mình với lều báo.
Báo chí chỉ là báo chí khi có người thật, việc thật, nếu không thì nhà báo chỉ là những kẻ dối trá, và sản phẩm của họ là rác rưởi văn hoá.

Đăng những bài viết kiểu như vậy để làm gì?

Tự đặt mình vào vị trí của người làm báo, tôi dễ dàng tìm ra câu trả lời muôn thuở: câu khách, tăng view, hút quảng cáo, làm phồng túi tiền.

Trong thời buổi khủng hoảng kinh tế, tôi hoàn toàn thông cảm cho điều này. Nhưng tôi chân thành khuyên quý toà soạn hay đăng các bài báo như vậy chớ có nhảy chồm chồm lên bày tỏ sự tự ái mỗi khi bị ai đó nói là báo lá cải.

Đã làm đĩ để kiếm tiền thì bị người đời thị phi là chuyện đương nhiên.

Những bài viết đó có gây hệ luỵ gì cho xã hội?

Như tôi đã đề cập, những bài viết trên chỉ xoáy vào ba chủ đề chính: sex, sex và sex. Sex được săm soi dưới đủ mọi khía cạnh sống sượng, thô tục, từ ngoại tình cho đến loạn luân, như muốn nhổ toẹt vào các giá trị đạo lý và văn hoá dân tộc mà chúng ta đang ngày đêm rao giảng.

Chúng không có bất cứ một giá trị gì khác ngoài tính “giải trí” đơn thuần. Ở điểm này, tôi thấy hoàn toàn có thể xếp chúng ngang hàng với các tác phẩm thuộc thể loại “cô giáo Thảo” (dòng văn học khiêu dâm ở miền Nam trước 1975) mà bọn học sinh chúng tôi chuyền tay nhau lén lút khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Theo quan điểm cá nhân của tôi, các bài báo “sex” nhuốm màu sắc “sáng tác”, trên phương diện nào đó có thể coi là một loại hình văn học khiêu dâm được hợp thức và công khai hoá dưới hình thức báo chí. Và hệ luỵ mà nó gây ra còn lớn hơn là văn học khiêu dâm đích thực.

Đọc “cô giáo Thảo”, ai cũng biết đó chỉ là chuyện hư cấu. Nhưng khi đọc trên báo, độc giả sẽ mặc nhiên coi câu chuyện là “người thật việc thật”. Việc tràn lan những “chuyện thường ngày” như vậy sẽ vẽ nên một bức tranh dơ dáy về xã hội, cũng như khiến con người trở nên chai sạn trước những chuyện đáng kinh tởm. Đó chính là cánh cửa dẫn đến sự tha hoá.

Ngay cả khi những câu chuyện trong bài báo là có thật đi chăng nữa, thì việc phơi bày chúng trên mặt báo dưới những hình thức li kỳ, khêu gợi, gây khoái trá trong độc giả vẫn xứng đáng bị coi là việc làm tội lỗi.

Trong mối quan hệ tương tác với báo chí, mỗi độc giả cũng cần phải tỉnh táo để không trở thành dạng độc giả “tò mò và rỗi hơi”, để lều báo dắt mũi vào những câu chuyện phản nhân văn (và có thể là hoàn toàn là bịa đặt).
LÊ HÙNG
Theo nguồn tin:

0 comments: