Thứ Sáu, 3 tháng 8, 2012

Nên hiểu thế nào về việc 23.000 tàu cá TQ tràn ngập biển Đông?


Lối đưa tin giật gân của một số tờ báo Việt Nam về việc hàng vạn tàu cá Trung Quốc bắt đầu tiến hành đánh bắt ở biển Đông đang khiến dư luận hiểu lầm về bản chất của sự việc này.

Đánh cá ở khu vực biển Đông là hoạt động vẫn diễn ra từ trước đến nay của Trung Quốc. Chỉ có điều là cách đưa tin có phần thổi phồng gần đây của một số báo đã làm cho dư luận nghĩ đây là chuyện cực kỳ bất thường (Có tờ báo giật tít rất hồn nhiên: 9000 tàu cá Trung Quốc trưa nay sẽ đổ ra biển Đông đánh bắt trái phép).

Về mặt pháp lý, Việt Nam chỉ có thể phản đối khi Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và khu vực 2 quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa,  phần diện tích khá lớn còn lại của biển Đông thì không thể phản đối được.

Việt Nam hiện có khoảng 100.000 tàu cá các loại hoạt động ở biển Đông. Nếu báo Trung Quốc đăng những bài viết có tiêu đề kiểu như "100.000 tàu cá Việt Nam vơ vét biển Hoa Nam" thì không hiểu người dân Trung Quốc sẽ phản ứng thế nào? Âm mưu thâm hiểm của Trung Quốc thì ai cũng hiểu, nhưng trên mặt trận truyền thông thì chúng ta thật sự cần những cái đầu lạnh.



Để bạn đọc có thể hình dung rõ hơn chân tướng vụ việc, ban quản trị REDS.VN xin giới thiệu hình ảnh minh họa  về tương quan lực lượng tàu cá giữa Việt Nam và Trung Quốc cùng một số nhận định do trang Quốc phòng - Defence (Facebook) gửi đến REDS.VN.

Dù 9.000 hay 23.000 tàu hoặc 46.000 tàu cá Trung Quốc cũng không thể "tràn xuống biển Đông" chen chúc đánh cá như nhiều người vẫn tưởng.

Theo quan sát từ các phương tiện kỹ thuật, tàu cá Trung Quốc thường đi thành nhiều đợt, mỗi đợt nhiều tốp, mỗi tốp khoảng 5-7 tàu hoặc hơn.

Miệng nói xuống biển Đông, nhưng cần hiểu rằng địa bàn đánh cá của tàu Trung Quốc rất rộng, có thể là ven bờ đảo Hải Nam, khu vực Đông Sa (gần phía Nhật Bản)...

Tàu Trung Quốc có thể tiến xuống Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, nhưng khả năng tiến vào các khu vực đảo có Quân đội Nhân dân Việt Nam đồn trú là rất thấp. Vì chắc chắn sẽ bị xua đuổi (các bạn đã xem Cảnh sát biển Việt Nam húc tàu Hải giám Trung Quốc, thậm chí dọa nổ súng).

Cần nhớ: Biển Đông mà Việt Nam tuyên bố có chủ quyền giới hạn trong vùng đặc quyền kinh tế khu vực 200 hải lý EEZ, tính từ đường cơ sở và xung quanh các đảo. Đồng thời, phải tính đến sự kiểm soát trên thực tế (trong đó, ở Trường Sa, Việt Nam chiếm ưu thế và số lượng đảo, bãi đá ngầm đồn trú nhiều nhất so với các nước có tranh chấp ở biển Đông).

Vì vậy, việc lên tiếng phản đối là đúng đắn, cần thiết nhưng không nên hoang mang trước tin tức này.

Theo nguồn tin từ :
http://reds.vn/index.php/ban-doc/1635-so-sanh-luc-luong-tau-ca-vn-tq

0 comments: