Thứ Tư, 11 tháng 7, 2012

Một đường phố ở Hà Nội mang tên kẻ phản quốc?


Phố Cao Đạt. Ảnh: HANOISTORY.

Ở Hà Nội có một con phố mang tên của một vị thủ lĩnh nghĩa quân chống Pháp mà thân phận lúc cuối đời của nhân vật này còn nhiều uẩn khúc...

Bài viết của tác giả P.H.T (Cử nhân khoa Việt Nam học, ĐH KHXHVNV, ĐH QG Hà Nội) gửi REDS.VN.

Nhiều đường phố ở Hà Nội mang tên của các nhân vật lịch sử. Đó thường là những vị vua anh minh, những vị tướng tài hay những nhà yêu nước lỗi lạc. Dường như phố Cao Đạt được đặt với tiêu chí như vậy.

Con phố này dài 125m, nối phố Lê Đại Hành với phố Đại Cồ Việt, thuộc quận Hai Bà Trưng. Thời Pháp thuộc, phố có tên gọi là đường 111. Sau năm 1945 đối tên thành Cao Đạt - tên một danh tướng dưới quyền Phan Đình Phùng trong khởi nghĩa Hương Khê chống thực dân Pháp thế kỷ 19.

Theo nhiều tư liệu lịch sử, Cao Đạt được coi là một nhân vật lịch sử có công trạng với đất nước. Khi khởi nghĩa thất bại ông đã trốn sang Xiêm (Thái Lan), bị Pháp bắt và đến khi già yếu thì được tha và chết ở quê nhà.

Anh hùng khởi nghĩa làm quân thù bạt vía

Cao Đạt là người xã Sơn Quang, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Vốn là một người có sức khỏe phi phàm, lại tinh thông võ nghệ, khi lãnh tụ Phan Đình Phùng (1847-1895) phất cờ khởi nghĩa Cần Vương tại vùng Nghệ Tĩnh, Cao Đạt là người ứng nghĩa lớp đầu tiên.

Với phẩm chất gan dạ và thiện chiến, qua nhiều trạn đánh Cao Đạt giết được nhiều lính Pháp và ngụy quân. Ông được phong chức Đề đốc của nghĩa quân nên còn được gọi là Đề Đạt. Với danh xưng Đề Đạt, Cao Đạt đã làm cho Pháp và bè lũ phản bội Nguyễn Thân  khiếp vía cả một thời.
Phố Cao Đạt. Ảnh: HANOISTORY.
Sau khi Phan Đình Phùng tạ thế, nghĩa quân của ông cũng tan rã. Một số thành viên nghĩa quân nghe theo lời dụ dỗ của Nguyễn Thân (một võ quan nhà Nguyễn, là một cộng sự đắc lực của thực dân Pháp) ra hàng Pháp để rồi bị chúng giải về Huế chém hết. 

Một số thành viên khác, trong đó có Cao Đạt lưu vong sang Xiêm, lập chiến khu tại một khu rừng thuộc tỉnh Oudonne.

Tại đây, họ mua sắm khí giới, chiêu mộ lính tráng và tập luyện vũ trang chờ ngày về nước kháng chiến. Nhưng Pháp đã ép người Xiêm cho phép mang lính Pháp sang càn quét. Cao Đạt và trên 10 người nữa bị bắt giải về nước. Một số người bị giết, số còn lại bị đầy ra Côn Đảo, trong đó có Cao Đạt.

Trở thành tay sai của Pháp?

Thân phận lúc cuối đời của Cao Đạt dường như còn đầy uẩn khúc. Theo một tư liệu của nhân chứng Đông Tùng (người cùng địa phương với Cao Đạt, từng lưu vong sang Trung Quốc và Thái Lan và sống chung với các nhà cách mạng gần gũi với Cao Đạt), công bố trong ấn phẩm Tập San Sử Địa số 22, xuất bản năm 1971 ở miền Nam Việt Nam, trong giai đoạn cuối đời Cao Đạt đã đánh mất vị trí lịch sử cao quý của mình để trở thành một kẻ phản bội không thể tha thứ.

(Tải ấn phẩm Tập San Sử Địa số 22 tại Diễn đàn Hoangsa.org)

Theo Đông Tùng, đáng lý ra người đầu tiên bị Pháp chém đầu phải là Cao Đạt vì những tổn thất to lớn mà vị thủ lĩnh này đã gây ra cho quân đội thực dân. Tuy nhiên, không hiểu Cao Đạt đã khai báo với Pháp thế nào mà ông chỉ bị lưu đày đi Côn Lôn một vài năm rồi được ân xá về an nghiệp ở quê nhà Nghệ Tĩnh.

Thậm chí, khi có các sự kiện trọng đại, quan chức chính quyền thuộc địa thường cho người mời Cao Đạt tham dự. Đã có lúc Cao Đạt được mời đi Huế gặp Khâm sứ Trung Kỳ, lúc khác lại ra Hà Nội để gặp Marty, Chủ nhiệm phòng chính trị của Phủ toàn quyền Hà Nội.

Theo nhận xét chung của các nhà hoạt động chính trị ở vùng Nghệ Tĩnh như các cụ Ngô Đức Kế, Đặng Văn Bá, Nguyễn Đình Khiên… thì Cao Đạt đã thực sự làm tay sai cho thực dân Pháp nên mới có sự đãi ngộ ân cần, nồng hậu như thế.

Một sự việc mà Đông Tùng là người chứng kiến càng khẳng định điều này: đó là việc Pháp đem Cao Đạt sang Xiêm để nhận diện ông Thạch Phong năm 1928. Thạch Phong là người huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) cũng là một nghĩa sĩ trong khởi nghĩa của Phan Đình Phùng ở Vũ Quang. Khi chiến khu tan rã, ông cũng theo Cao Đạt sang Xiêm lập căn cứ. Khi Pháp đem quân sang, Thạch Phong đã trốn thoát được khỏi vòng vây truy quét. Sau này ông trở thành một trong những vị nguyên lão cố vấn cho tổ chức cách mạng Việt Nam ở Thái Lan với bí danh Cu Sói. Mật thám Pháp dò biết được, tiếp tục đem quân sang Xiêm và bắt được Thạch Phong. Khi bị giam giữ ở Xiêm, ông chỉ khai tên Cu Sói, không chịu nhận mình là Thạch Phong. Sau khi Pháp đem Cao Đạt sang Xiêm nhận diện Thạch Phong, ông bị giải về nước và kết án đày đi Côn Lôn.

Đông Tùng kết luận: "Cao Đạt không bị trừng trị trước pháp luật chỉ vì ông đã chết trước năm 1945 (Cao Đạt chết năm 1941). Nhưng một con người như thế, ít ra ông ta cũng phải bị lên án trước một phiên tòa lịch sử để cho hợp lẽ công bằng".

Trong cuốn Đường phố Hà Nội, nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc cho rằng, nếu thực sự Cao Đạt từng làm tay sai cho giặc Pháp thì không nên để tên đường này nữa. Nhiều người tâm huyết với Hà Nội mong rằng các nhà nghiên cứu lịch sử sớm làm sáng tỏ vấn đề này.

Theo nguồn tin từ:

0 comments: