Thứ Năm, 21 tháng 6, 2012

Người Việt lên cơn tự sướng, thế giới phục lăn lóc!

Ảnh minh họa. Anh Lái Đò
Hôm nay, không phụ lòng mong mỏi, tin tưởng tuyệt đối của gần 90 triệu dân Việt Nam, và cũng thật xứng đáng với danh hiệu hạnh phúc nhất nhì thế giới mà chúng ta vừa đạt được, ngành Giáo dục và Đào tạo hồ hởi tuyên bố tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT đạt 97,63%!


Một ngày trước đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Giang cho biết, THPT dân lập Đồi Ngô (Bắc Giang) – nơi xảy ra tiêu cực thi cử đình đám – có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT thấp nhất tỉnh (78%). Còn tỷ lệ tốt nghiệp của toàn tỉnh đạt 99%, tương đương năm 2011.


Cánh nhà báo và một số độc giả hoặc do khó tính, hoặc do thiếu tinh thần xây dựng lập tức la ó ầm ỹ, cho rằng những con số này không phản ánh đúng thực tế. Tất nhiên, đó là lối suy nghĩ hết sức cố chấp và đi theo những lối mòn cũ kỹ, hệt như những bài văn mẫu mà chỉ ở Việt Nam mới có vậy. Hãy thử tư duy theo một cách khác hẳn, sẽ thấy con số nói trên đúng là chẳng sát tí tẹo nào với thực tiễn cả, và lòng ta sẽ nhẹ nhõm đi ít nhiều chứ không bí bách mãi thế, khổ kinh lên được!.

Này, bạn thử nghĩ mà xem, làm thế nào mà vẫn có tới hai phẩy ba mươi bảy phần trăm số thí sinh trên khắp cả nước trượt tốt nghiệp nhỉ, nếu bạn nhớ tới những bức ảnh phao thi phủ trắng các trường thi? Sự trái khoáy còn rõ hơn ở Đồi Ngô, khi không có thí sinh nào bị hủy bỏ bài thi, sau khi đã được phép quay cóp tự do như chốn không người và với sự trợ giúp nhiệt tình của giám thị, mà vẫn có tới 22% thí sinh trượt vỏ chuối. Lẽ ra, tỷ lệ đỗ phải đạt trăm phần trăm mới phản ánh đúng thực tế chứ nhỉ?

Liên tưởng xa thêm một chút nữa, người ta sẽ thấy, thật khó mà tưởng tượng nổi đâu mới là giới hạn cuối cùng cho công nghệ quay cop trong thi tốt nghiệp và Đồi Ngô dù sao cũng chỉ là đồi thôi, còn nhiều đỉnh cao chót vót hơn nhiều. Bởi vì, Đồi Ngô cũng chỉ có 78% thí sinh vượt nổi vũ môn, thì ở các nơi khác, thí sinh và các giám thị còn phải có những tuyệt chiêu nào để đẩy tỷ lệ đỗ lên xấp xỉ 100%?

Dĩ nhiên, bạn có nghĩ nát cả óc chắc cũng chưa chắc đã trả lời nổi câu hỏi đơn giản mà hóc búa nói trên đâu. Và sẽ còn khó trả lời hơn nữa nếu như bạn đặt câu hỏi tại sao ta cứ phải băn khoăn làm gì cho mệt về cái tỷ lệ đỗ tốt nghiệp nhỉ?

Nghĩ đi nghĩ lại thì không thấy ai bị thiệt hết cả trong sự vụ này, nói khác đi là ai cũng có lợi cả. Các thầy cô đáng kính, các nhà trường mô phạm, ngành Giáo dục gương mẫu dĩ nhiên là mừng rơn với thành tích này rồi, cứ cho là “bệnh” thành tích đi nữa thì vẫn có thể ăn mừng được. Các em học sinh suốt 12 năm miệt mài mài đũng quần trên ghế nhà trường và các bậc phụ huynh ngày đêm mong ngóng cá chép nhà mình hóa rồng chắc cũng mừng không kém. Còn xã hội thì thở phào, vì nếu chẳng may tỷ lệ đỗ, trượt đảo ngược lại, thì lấy đâu ra trường ra lớp cho gần 1 triệu con em học lại? Ấy là chưa kể, chúng nó trượt rồi sinh ra tiêu cực, chơi bời lêu lổng, quậy phá nghịch ngợm, ai mà chịu trách nhiệm cho được?

Trong cơn cao hứng, rất nhiều độc giả các báo điện tử vì nhiệt tình với nền giáo dục nước nhà, đã hiến một kế tuyệt vời cho ngành giáo dục. Căn cứ vào tỷ lệ đỗ tốt nghiệp mấy năm nay không bao giờ dưới 90%, ta có thể miễn cho 90% số học sinh cấp III không phải thi tốt nghiệp, đồng thời tổ chức một kỳ thi cho 10% học sinh kém nhất, được phép mở mọi loại tài liệu, sử dụng mọi sự trợ giúp. Tức là, thay vì mất công tìm những người xứng đáng đỗ (bố ai mà biết có xứng đáng thật không chứ), ta hãy điểm mặt chỉ tên những học sinh kém cỏi nhất, để đứa nào trượt cũng không ấm ức, so bì gì.

Riêng có một điều duy nhất mà chúng ta phải kém tự tin một tẹo, ấy là nếu đóng cửa bảo nhau thì cả nhà đều vui vẻ với kỳ thi tốt nghiệp, nhưng nếu đem so sánh với xứ người thì hình như ta hơi bị đuối. Khổ nỗi, bằng chứng cho thực trạng này lại hơi bị nhiều và chắc không ai trong chúng ta có thể biện minh nổi cho vị trí của Việt Nam trên bản đồ giáo dục thế giới ngày nay, dù rằng cha ông ta cũng đã xưng nền văn hiến đã lâu.

Tuy thế, xin quý vị đừng vội tuyệt vọng mà buông những lời thiếu trách nhiệm với tương lai, vận mệnh đất nước. Cách đây mấy hôm, báo chí Việt Nam đã hồ hởi – không kém là mấy với ngành Giáo dục khi loan tin kết quả thi tốt nghiệp hôm nay – cho biết Việt Nam được đánh giá là nước xếp thứ hai trên địa cầu, tức là có khả năng xếp thứ hai trong toàn cõi vũ trụ cũng nên, về mức độ hạnh phúc.

Điều thú vị là nếu như tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của ngành giáo dục cũng tăng dần qua từng năm từ 2007 đến nay, thì cái chỉ số hạnh phúc đáng tôn vinh kia của Việt Nam cũng được nâng hạng dần, từ 12 năm 2006 lên thứ 5 năm 2009 và thứ 2 năm 2012.

Trước tiên, cứ phải nói rằng, nếu căn cứ vào tiêu chí hàng đầu để người ta đánh giá hạnh phúc là mức độ hài lòng với cuộc sống, thì bảng xếp hạng nói trên đã hoàn toàn chính xác. Không biết các bác chuyên gia quốc tế lấy số liệu ở đâu, nhưng xin mách nhỏ là từ lần sau, mời các bác cứ tìm đến ngành Giáo dục cho gọn ghẽ. Thiết nghĩ, cứ nhìn vào kỳ thi tốt nghiệp THPT của Việt Nam thì các bác đủ biết chúng tôi đã là những bậc thầy về khả năng tự hài lòng, nói theo ngôn ngữ của các cháu tuổi teen, là “tự sướng” thế nào rồi.

Dĩ nhiên, hạnh phúc vốn là thứ hết sức trừu tượng, chẳng ai biết mặt mũi nó tròn méo ra làm sao và nhân loại không biết đã tốn bao nhiêu nước bọt cũng như giấy mực để tranh luận về nó. Đường tới hạnh phúc thì vô vàn và chẳng ai lựa chọn giống ai, nhưng có bao giờ bạn nghĩ rằng nhân vật AQ nổi danh với phép thắng lợi tinh thần là một trong những người hạnh phúc nhất trên đời không?

Câu trả lời là có thể, nếu ta nghĩ tới một trường hợp khác, cũng xuất xứ Tàu cho nó đồng bộ và dễ so sánh. Nhà thơ Tô Đông Pha từng viết một câu thơ – mà sau này cụ Nguyễn Trãi cũng trích dẫn – rằng “nhân sinh thức tự đa ưu hoạn”, tức là người đời mà biết chữ thì nhiều lo lắng ưu tư với xã hội, với quốc gia. Thử đặt câu thơ này cạnh anh chàng AQ, ta sẽ tức khắc có câu trả lời về một trong những con đường kỳ diệu nhất để đi tới hạnh phúc, tuyệt không phải lăn tăn tí nào cho mệt óc.

Người Việt Nam ta có lẽ đã tiếp thu triệt để phép thắng lợi tinh thần nọ, hoặc giả đây là phẩm chất lạc quan vui tính bẩm sinh của dân ta. Chẳng cần phải nói đến những chuyện kinh tế vĩ mô chẳng mấy ai hiểu rõ, như lạm phát của Việt Nam trong năm 2011 từng cao nhất châu Á, nhì thế giới, chỉ cần nhìn cơn mưa nhẹ nhàng chiều 19/6 biến Hà Nội đài các xinh đẹp thành… Hà Lội chân lấm tay bùn thì đủ biết. Bà con ta, với khiếu hài hước được trui rèn qua bao trận ngập, vừa bơi trong nước vừa khen trận mưa tuyệt vời đã giải cơn nóng ghê người trước đó cho Thủ đô yêu dấu.

Chắc chỉ riêng cụ Nguyễn Trãi là phải thở dài khi nhìn đám con cháu hơn 600 năm sau xứng đáng với câu “hậu sinh khả úy”. Người biết chữ trong thời cụ thì nhiều lo lắng hoạn nạn, nhưng ngày nay, với tỷ lệ đỗ tốt nghiệp lúc nào cũng xấp xỉ 100%, không thấy ai gàn dở đi “ưu hoạn” với đời cả.

Người Việt Nam ta lạc quan và hạnh phúc hàng đầu thế giới mà!
Xem thêm bài: Học sinh quay bài phân tích siêu hơn kiểm toán viên

Nguồn tin từ SGTT

0 comments: