Thứ Hai, 4 tháng 6, 2012

Trung Quốc "nẹt" Mỹ: Đừng làm dậy sóng Biển Đông

Tại Đối thoại Shangri-La 11 Mỹ tuyên bố sẽ tăng cường sự hiện diện quân sự tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương thông qua các liên minh thì Trung Quốc khuyến cáo “đừng làm dậy sóng” biển Đông.

Tàu ngầm tấn công USS North Carolina của Mỹ cập cảng Subic (Philippines)
Tàu ngầm tấn công USS North Carolina của Mỹ cập cảng Subic (Philippines)


Mỹ sẽ điều 60% tàu chiến tới châu Á - Thái Bình Dương


Ngày 2/6, tại Hội nghị Cấp cao An ninh châu Á (còn gọi là Đối thoại quốc phòng Shangri-La) lần thứ 11 ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã lần đầu tiên công bố chi tiết chiến lược quân sự của quốc gia này tại châu Á-Thái Bình Dương.

Theo đó, kế hoạch mà Mỹ sẽ thực hiện từ nay tới năm 2020 là tái bố trí hạm đội hải quân, có 60% tàu chiến Mỹ hoạt động tại châu Á-Thái Bình Dương. Ngoài ra, 6 trong số 11 tàu sân bay của Mỹ sẽ tiếp tục duy trì hoạt động tại khu vực này. Hải quân Mỹ hiện có một hạm đội với 282 tàu, trong đó có cả tàu hộ tống. Theo một dự án đóng tàu được công bố hồi tháng Ba, hạm đội sẽ được phát triển lên tổng cộng 300 tàu sau khi dự án kéo dài 30 năm này hoàn tất.

Đồng thời, ông Panetta Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng khẳng định lại một loạt các cam kết quân sự tại châu Á-Thái Bình Dương, gồm các hiệp ước với các đồng minh Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines, Australia và các đối tác Ấn Độ, Singapore, Indonesia cùng nhiều nước khác.

Ông cho biết, Mỹ sẽ nỗ lực xây dựng quan hệ quân sự khu vực thông qua những hoạt động hợp tác tương tự như thỏa thuận luân chuyển bố trí quân mà Mỹ đã đạt được với Australia và đang tiến hành với Philippines. Ngoài ra, Washington còn tăng số lượng cũng như quy mô các cuộc tập trận quân sự song phương và đa phương tại khu vực.

Phát biểu tại Shangri-La 11, ông Panetta bác bỏ những nhận định cho rằng việc chuyển hướng trọng tâm quân sự sang châu Á-Thái Bình Dương là một phần trong kế hoạch của Washington nhằm kiềm chế vai trò của Trung Quốc tại khu vực. Ông tuyên bố việc Mỹ tăng cường sự hiện diện quân sự tại châu Á-Thái Bình Dương sẽ cải thiện an ninh khu vực và điều này đem lại lợi ích cho Trung Quốc. Ông cam kết Mỹ sẽ xây dựng quan hệ hợp tác quân sự ổn định, đáng tin cậy, lành mạnh và lâu dài với Trung Quốc.

Trung Quốc cảnh báo: “Đừng làm dậy sóng” Biển Đông

Sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tuyên bố đưa phần lớn hạm đội hải quân tới Thái Bình Dương cho tới năm 2020, trên báo Tân Hoa Xã đã có bài viết “Một vài nước nên được khuyên can về việc kiềm chế để không làm dậy sóng ở đó", hàm ý về Biển Đông – nơi mà Bắc Kinh có tranh chấp chủ quyền với các nước ASEAN như Việt Nam, Brunei, Malaysia và Philippines.

Theo Tân Hoa Xã, có bên liên quan trong tranh chấp tại biển Đông nhận được sự ủng hộ từ quan điểm mới của Mỹ và điều này “không có lợi cho tình hình chung”, đồng thời nhấn mạnh Bắc Kinh thực sự mong muốn đưa biển Đông thành vùng biển hòa bình, hữu nghị và hợp tác.

“Những chỉ trích ồn ào thiếu căn cứ nhắm vào Trung Quốc phát sinh từ thành kiến và những hiểu biết lệch lạc… Vào thời điểm nhạy cảm như vậy, rất cần sự điềm tĩnh và một tình huống rối ren như hiện nay cần phải có kỷ luật. Tô vẽ Trung Quốc thành kẻ xấu một cách bừa bãi không chỉ gây thêm phiền phức mà còn có hại”

Tân Hoa Xã viết: “Thật ngây thơ khi cho rằng Trung Quốc có ý định đóng cánh cửa châu Á trước Mỹ như xây bức tường Berlin trên Thái Bình Dương. Dù vẫn còn nhiều bí ẩn quanh việc Mỹ chuyển trọng tâm sang châu Á, Trung Quốc luôn hy vọng siêu cường này sẽ đóng vai trò tích cực và xây dựng trong khu vực”.

Trước đó, việc Trung Quốc đột ngột hạ cấp đoàn đại biểu tham dự Đối thoại Shangri-La năm nay cũng đặt ra nhiều nghi ngờ.

Trả lời trên báo Phượng Hoàng, chuyên gia Khâu Chấn Hải cho rằng, trong tình hình tất cả các nước khác đều muốn làm nóng vấn đề Biển Đông, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc không tham dự Đối thoại Shangri-La lần này là một sự “vu hồi chiến lược”, và là một sự “bình tĩnh trước cơn bão”.
Sáng nay, 3/6 trong lịch trình hoạt động đầu tiên trong chuyến thăm chính thức Việt Nam, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đến thăm cảng Cam Ranh, Khánh Hòa. AP cho biết ông Panetta là quan chức cấp cao nhất của Washington đến thăm lại căn cứ hải quân-không quân của Mỹ trước đây, kể từ sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc.

Ông Panetta sẽ ghé thăm USNS Richard E. Byrd - tàu thuộc Bộ Tư lệnh Hải vận Quân sự Mỹ, đang được sửa chữa tại xưởng đóng tàu Cam Ranh. Đây là tàu vận chuyển hàng hóa tới các lực lượng quân sự Mỹ trên khắp thế giới.

Trưa nay, ngay tại cảng Cam Ranh, Bộ trưởng Panetta có cuộc họp báo với báo chí.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sau khi thăm cảng Cam Ranh sẽ đến Hà Nội và có cuộc hội đàm với người đồng cấp Việt Nam, Đại tướng Phùng Quang Thanh. Ông cũng sẽ có các cuộc gặp với lãnh đạo Chính phủ Việt Nam.

Dự kiến, tại cuộc hội đàm với Bộ trưởng Phùng Quang Thanh, hai bên sẽ đề cập đến 5 lĩnh vực hợp tác chủ chốt hiện nay: thiết lập các cơ chế đối thoại thường xuyên cấp cao giữa Bộ Quốc phòng Mỹ và Bộ Quốc phòng Việt Nam; an ninh biển, tìm kiếm cứu nạn, nghiên cứu và trao đổi kinh nghiệm về hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa và các hoạt động về hợp tác đào tạo quân y.

Bài viết tham khảo nguồn từ: http://phunutoday.vn/xa-hoi/quoc-phong/201206/Trung-Quoc-net-My-dung-lam-day-song-Bien-dong-2160759/

0 comments: