Thứ Bảy, 30 tháng 6, 2012

Vạ̣ch trần ba mũi giáp công độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc

"Giao long" Trung Quốc khuấy động Biển Đông.
Sau một thời gian củng cố và phát triển thực lực, Trung Quốc đang ngày càng táo tợn và liều lĩnh hơn trong mưu đồ độc chiếm Biển Đông.

Trước đây khi chưa chuẩn bị đầy đủ điều kiện, Trung Quốc lấy cớ muốn duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực nên không sử dụng vũ lực để hoãn binh và có thêm thời gian. Nhưng hiện tại, khi chuẩn bị xong xuôi, Bắc Kinh lập tức thay đổi chiến lược dùng sức ép thực lực quân sự và thủ đoạn pháp lý để độc chiếm Biển Đông.

Quan sát những động thái leo thang của Bắc Kinh trên Biển Đông vừa qua, có thể thấy Bắc Kinh đang đẩy mạnh ba mũi giáp công nhằm biến Biển Đông thành “ao nhà của Trung Quốc”.

Ba  mũi giáp công đó là  thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa”, mời thầu quốc tế tại 9 lô hoàn toàn nằm trong thềm lục địa vùng biển chủ quyền của Việt Nam và triển khai tàu Hải giám  “tuần tra” trên Biển Đông.
Mũi giáp công thứ nhất liên quan đến quản lý hành chính và “tạo cớ pháp lý”. Thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” để quản lý hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam là một âm mưu đã có từ lâu và được lên kế hoạch rất kỹ, khi có cớ để leo thang là Trung Quốc tuyên bố chính thức.

Về bản chất, cái gọi là “thành phố Tam Sa” đã manh nha từ 2007 và khi công bố, Trung Quốc đổ thêm tiền của đầu tư xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng tại Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời có cớ động binh nếu như đối phương có hành động phản đối. Trung Quốc chuẩn bị cho một phương án leo thang khi thấy có cơ hội, thậm chí không loại trừ khả năng dùng vũ lực.
Chín lô CNOOC gọi thầu nằm hoàn toàn trong Vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lực địa Việt Nam.
Mũi giáp công thứ hai cũng được Bắc Kinh chuẩn bị công phu là kinh tế, lợi dụng cục diện phức tạp “tranh tối tranh sáng” để đưa dàn khoan siêu lớn ra Biển Đông xâm phạm vùng biển chủ quyền nằm trong thềm lục địa Việt Nam để vơ vét tài nguyên dầu khí.

Việc chế tạo giàn khoan khổng lồ Hải Dương 981 và những tàu chở dầu được mệnh danh là nhà máy lọc dầu trên biển lớn chưa từng có là không thể làm trong “một sớm, một chiều”. Đó là một âm mưu và kế hoạch được tính toán rất kỹ từ trước.

Vừa kéo dàn khoan Hải Dương 981 ra Biển Đông không được bao lâu, Tổng Công ty dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) đã thông báo mời thầu tại 9 lô nằm hoàn toàn trong vùng lãnh hải chủ quyền, thềm lục địa của Việt Nam và không có bất cứ tranh chấp nào. Một động thái leo thang cần lên án mạnh mẽ.

Động thái này không phải là lần đầu tiên, nó đã từng xảy ra từ năm 2003 đối với vùng biển Hoa Đông đang có tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc khi Bắc Kinh đơn phương mời thầu quốc tế thăm dò, khai thác tại đây.
Nhưng nếu như mỏ Xuân Hiểu (mà phía Nhật Bản gọi là Shirakaba) ở biển Hoa Đông nằm trong khu vực có tranh chấp thì lần này trên Biển Đông, Trung Quốc đã ngang nhiên mời thầu thăm dò khai thác trong thềm lục địa, vùng biển chủ quyền của Việt Nam vốn không có bất cứ tranh chấp nào.

Mũi giáp công thứ ba chính là đưa  4 tàu Hải giám 83, 84, 66 và 71 thực hiện cái gọi là “tuần tra định kỳ” trên phạm vi toàn bộ “đường lưỡi bò” phi pháp mà Bắc Kinh vẽ ra trên Biển Đông.

Không biết vô tình hay cố ý, Tân Hoa Xã "để lộ" thông tin phạm vi hoạt động của 4 tàu này là “toàn bộ vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền”.
"Giao long" Trung Quốc khuấy động Biển Đông.
Điều đó khiến người ta không loại trừ khả năng Bắc Kinh phái 4 tàu Hải giám này ra hoạt động trái phép trong khu vực thềm lục địa của Việt Nam, nơi CNOOC vừa thông báo 9 lô mời thầu thăm dò khai thác.

Thậm chí thiếu tướng Trung Quốc “diều hâu” La Viện  còn kêu gọi hải quân nước này nhập cuộc “tuần tra” Biển Đông, chứ không chỉ sử dụng lực lượng Hải giám và Ngư chính.

Theo viên tướng này, lực lượng hải quân Trung Quốc sẽ canh chừng cho Hải giám và Ngư chính. Nếu hai lực lượng này vấp phải sự cố,  tàu chiến Trung Quốc  lập tức nhập cuộc.

Hạm đội Nam Hải có 9 tàu khu trục, 17 tàu hộ vệ, 3 tàu ngầm hạt nhân, 21 tàu ngầm thông thường và 17 chiến hạm đổ bộ có thể vận chuyển đồng thời 3 sư đoàn lục quân biên chế đầy đủ trong thời chiến.

Trung Quốc triển khai ba mũi giáp công nhằm vào ba mục đích.

Một là lợi dụng lúc “tranh tối tranh sáng” thừa nước đục thả câu, tranh thủ chiếm ưu thế về quân sự, kinh tế trên Biển Đông - đặc biệt là vơ vét tài nguyên dầu khí.

Thứ hai là nắn gân thử phản ứng của Mỹ  và các bên liên quan theo kiểu “mềm nắn, rắn buông”.

Thứ ba, hiện thực hóa “đường lưỡi bò” phi pháp do Trung Quốc tự vẽ ra nhằm độc chiếm Biển Đông, kiểm soát tuyến hàng hải huyết mạch giữa Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương nhằm cạnh tranh hùng tranh bá với Mỹ.

Nói tóm lại, âm mưu độc chiếm Biển Đông của  Trung Quốc là xuyên suốt và liên tục. Sau một thời gian củng cố và phát triển thực lực “giấu mình chờ thời” Trung Quốc ngày càng táo tợn và liều lĩnh hơn trên Biển Đông.


Theo nguồn tin từ:
http://giaoduc.net.vn/Quoc-te/3-mui-giap-cong-am-muu-cua-TQ-doc-chiem-bien-Dong-chuyen-hu-hoa-thuc/186251.gd

0 comments: