Thứ Sáu, 13 tháng 7, 2012

Bảo vệ ngư dân là bảo vệ chủ quyền

Đoàn tàu từ đảo Hải Nam
xuống đánh bắt trái phép ở biển Trường Sa.
Trung Quốc vừa cướp 3 tàu, toàn bộ ngư cụ của 6 tàu,  hải sản  đánh bắt được, tất cả trị giá hơn 4 tỉ đồng. Ngư dân ta đã bị lực lượng Kiểm ngư của họ dùng dùi cui điện, còng tay, uy hiếp bắt giữ. Thuyền trưởng Võ Quốc Việt hạ cần tăng ga chỉ vì sợ hỏng máy, đã bị đấm thẳng vào mặt ngã nhào. Chúng phơi nắng anh em ta, mỗi ngày chỉ cho nấu cơm một lần vào buổi  chiều. Tất cả phải lăn tay vào biên bản về “tội xâm phạm lãnh hải Trung Quốc”(?) trước khi thả về. Và giờ đây, trước mắt những người vừa trở về  là câu hỏi: Làm sao  trả được vốn vay mua tàu, ngư cụ đã bị cướp sạch? Làm sao tiếp tục ra khơi, bám biển đây? Cả nước phải có trách nhiệm cùng với ngư dân trả lời những câu hỏi ấy!

Toàn dân đã nhiệt liệt hoan nghênh Luật Biển Việt Nam được Quốc hội thông qua ngày 21-6-2012, phạm vi bao gồm quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa. Tinh thần của Luật này là, Nhà nước, cùng mọi tổ chức yêu nước và toàn thể nhân dân có trách nhiệm bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên các vùng biển, đảo và quần đảo, bảo vệ tài nguyên và môi trường biển. Khuyến khích đầu tư lao động, vật tư, tiền vốn và áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ  khai thác, phát triển kinh tế biển và đảm bảo yêu cầu quốc phòng, an ninh. Trong tình hình Trung Quốc đơn phương gây hấn trên Biển Đông, ngư dân không chỉ là lực lượng đi đầu hoạt động khai thác thủy sản mà còn có vai trò khẳng định chủ quyền biển đảo. Hàng ngày có 10.000 tàu đánh cá giương cờ đỏ sao vàng ra khơi.

Họ là những dân binh không có vũ khí, chỉ có trái tim nóng hổi dòng máu Việt, dám làm “cột mốc sống” trên lãnh hải thiêng liêng. Do đó, bảo vệ ngư dân có ý nghĩa là bảo vệ chủ quyền quốc gia. Tất cả 90 triệu người Việt Nam cần  hiểu rõ ý nghĩa ấy để  tích cực làm mọi việc vì ngư dân, vì đất nước.

Trong  thời gian ngắn, Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam đã tổ chức Nghiệp đoàn Nghề cá ở khắp  các vùng tập trung ngư dân; Đã vận động Phong trào Tấm lưới nghĩa tình giúp ngư dân. Mới đây, Liên Đoàn Lao Động TP HCM  kêu gọi cơ quan, doanh nghiệp, cán bộ, CNVC, LĐ hưởng ứng phong trào nói trên, đóng góp tiền của nhằm giúp cho ngư dân Hoàng Sa, Trường Sa khắc phục khó khăn do Trung Quốc cướp tàu, đòi tiền chuộc. Nhiều ngư dân lâm nạn đã được cứu trợ. Ngư dân Mai Phụng Lưu, người được mệnh danh là “sói biển”,  bốn lần bị cướp tàu,  được quỹ Tấm lưới nghĩa tình trao tặng khoảng tiền cao nhất là 200 triệu đồng. Anh hết sức cảm động, hứa sẽ không bao giờ rời biển, bỏ nghề, dù số tiền đó chưa thấm vào đâu so với số bị thiệt hại. Không phải riêng Mai Phụng Lưu mà, nói chung cho đến nay sự giúp đỡ đều chưa đủ bù thiệt hại  về vật chất cho  bà con, huống hồ nhiều người còn phải hi sinh cả tính mệnh! Vây xin đề nghị:

1 - Cần mở rộng  sự giúp đỡ ngư dân thành phong trào của  cả nước, bao gồm mọi giới, mọi ngành, giống như phong trào “Vì miền Nam ruột thịt” thời chống Mỹ. Nên có quy chế hỗ trợ cho ngư dân thực sự bị cướp tàu và ngư cụ, một số tiền tương đương với mức tổn thất để họ có thể nhanh chóng tiếp tục hành nghề.

Đề án xây dựng lực lượng Kiểm ngư của  Bộ NN và PTNT cần được khẩn trương xúc tiến và hoàn tất, để ngư dân có chỗ dựa, yên tâm trên vùng biển nước nhà.

2- Trong khi, ta chưa giải quyết được những tranh chấp phi lý của Trung Quốc về chủ quyền biển đảo, có thể vận dụng những  thực tế sau đây để tạm  giàn xếp với họ:

Trung Quốc vẫn  thường xuyên đưa hàng trăm tàu cá vào sâu trong lãnh hải chúng ta, đến sát đảo Cồn Cỏ (Quảng Bình). Ta chỉ xua họ ra, không bắt, cũng không phạt. Ít nhất ta tổ chức cuộc gặp, đòi họ đối xử tương tự như vậy đối với ngư dân ta. Ta và Thái Lan từng  phối hợp cùng tuần tra các ngư trường, đã  tránh được những va chạm căng thẳng. Vậy ta có thể đề nghị phía  Trung Quốc cùng tuần tra như thế? Cuối năm 2011, Malaisia và Indonexia đã thỏa thuận: khi tàu cá hai bên xâm phạm lãnh hải của nhau thì chỉ xua đuổi, chứ không bắt bớ. Hoàng Sa là của Việt Nam bị  đánh chiếm, họ càng không được bắt bớ. Giữa ta và Trung Quốc từ ngoại giao đến quốc phòng đều có đường dây nóng ( riêng hải quân hai bên cũng đã thiết lập đường dây nóng),vậy  không có lý gì để họ muốn làm gì thì làm mà phía ta cứ im lặng ?

Theo nguồn tin Viet-Studio:
http://www.viet-studies.info/kinhte/TongVanCong_BaoVeNguDan.htm

0 comments: