Thứ Tư, 18 tháng 7, 2012

Biển Đông không có luật chơi, vận động hậu trường sẽ phản tác dụng


Micro bị tắt, phát biểu bị cắt đứt giữa chừng - đó là những sự cố đã xảy ra trong các hội nghị ASEAN tuần trước khi vấn đề biển Đông được đề cập.

Những câu chuyện hậu trường được kể lại về việc Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN tuần trước không thể nhất trí về một tuyên bố chung - sự kiện chưa từng có tiền lệ kể từ 45 năm qua.

Lỗi kỹ thuật!

Khi Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario bắt đầu đề cập vấn đề biển Đông tại một cuộc họp ASEAN tuần trước, micro của ông tắt phụt - Reuters ngày 17.7 dẫn lời một nhà ngoại giao ASEAN kể lại. Chủ nhà Campuchia nói rằng đây là lỗi kỹ thuật. Nhưng một số nhà ngoại giao - vốn đã tức giận với những cố gắng của Campuchia đẩy vấn đề biển Đông khỏi chương trình nghị sự của ASEAN - thì cho rằng có thể có điều gì đó xấu xa hơn trong lỗi kỹ thuật này.


Một số nhà ngoại giao khác cho biết, Tổng Thư ký ASEAN Surin Pitsuwan cũng bị Ngoại trưởng Campuchia cắt đứt giữa bài phát biểu khi ông Surin Pitsuwan đề cập tới biển Đông. 

Vào ngày họp cuối của hội nghị ngoại trưởng, các nhà ngoại giao đã nhất trí một văn bản tuyên bố chung sau 11 tiếng họp. Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa thậm chí còn gọi điện cho Ngoại trưởng Singapore từ sân bay quay trở lại để giúp soạn thảo tuyên bố. Ông Natalegawa đã soạn ra 18 dự thảo tuyên bố khác nhau nhằm cố gắng giúp các bên thỏa hiệp. Tuy nhiên những nỗ lực này đã sa lầy khi Campuchia không sẵn sàng chấp nhận nhắc đến tranh chấp bãi cạn Scarbourough giữa Philippines và Trung Quốc, ngay cả sau khi Philippines chấp nhận đề xuất của Indonesia là thay đổi lời lẽ trong dự thảo thành “bãi cạn bị ảnh hưởng”. 

Không có luật chơi

Reuters dẫn lời các nhà ngoại giao nói: “Đây là một trong những cuộc họp nóng nhất trong lịch sử ASEAN”. Một nhà ngoại giao khác cho rằng Campuchia là “chủ nhà tồi nhất” và Trung Quốc đã mua được sự trung thành của Campuchia và một số nước khác bằng lợi lộc kinh tế. Tuy nhiên, các quan chức Campuchia đã phản bác mạnh mẽ luận điểm Trung Quốc mua Campuchia trong vấn đề biển Đông. Đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Campuchia là 1,2 tỉ USD năm 2011, gấp 10 lần so với Mỹ. 

Reuters bình luận, thất bại này đã khiến nỗ lực xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử biển Đông (COC) trong năm nay giữa ASEAN và Trung Quốc trở nên vô ích, làm gia tăng nguy cơ các biến cố trên biển Đông sẽ lan ra thành xung đột. Tờ Bangkok Post dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Thái Lan Sihasak Phuangketkeow nói: Trung Quốc cần chấp nhận thực tế rằng, việc vận động hậu trường như vậy là phản tác dụng. ASEAN đoàn kết sẽ giúp cân bằng quyền lực Mỹ - Trung trong khu vực.

Một COC bắt buộc sẽ bù lại cho việc ASEAN thiếu cơ chế an ninh để ngăn chặn những sự cố tại các vùng biển tranh chấp thành xung đột toàn diện. 

Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono trong các phát biểu ngày 16 và 17.7 nhận định, kết quả trên có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới hình ảnh của ASEAN và khiến cộng đồng quốc tế nhìn nhận đang xuất hiện rạn nứt trong nội bộ khối. Phát biểu trước báo giới, Tổng thống Yudhoyono nói rằng với tư cách là một trong các nhà lãnh đạo ASEAN, “tôi thấy thất vọng và lấy làm quan ngại”.

Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono đã cử Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa sớm thăm Philippines, Việt Nam, Campuchia, Singapore và Malaysia “để thảo luận giải pháp cho vấn đề tranh chấp ở biển Đông, cụ thể là để tìm kiếm lập trường chung của các nước ASEAN trong vấn đề này” - ông Natalegawa cho biết. 

Theo nguồn tin 

0 comments: