Thứ Năm, 5 tháng 7, 2012

Biển Đông: Trung Quốc không chỉ là hành động "trả đũa"


Những hành xử của Trung Quốc trên Biển Đông không chỉ là hành động "trả đũa" đơn thuần việc Việt Nam thông qua Luật Biển.
Sau cuộc đối đầu mới đây với Philippines xung quanh chủ quyền bãi cạn Scaborough, sự kiện ngày 23/6 Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) mời thầu thăm dò và khai thác 9 lô trên Biển Đông đều nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam cho thấy Trung Quốc chưa muốn giảm bớt độ nóng ở biển Đông, cho dù cũng có lúc Trung Quốc bày tỏ thiện chí như hoan nghênh việc đàm phán về COC gần đây.
Bá chủ-chư hầu

Nếu nhìn nhận từ góc độ đặc trưng tư tưởng đối ngoại Trung Quốc, có thể thấy hành động gây căng thẳng mới đây với Việt Nam trong tổng thể tranh chấp ở biển Đông là hiện tượng không mới.

Từ thời kỳ phong kiến, việc các triều đại Trung Hoa mở rộng bờ cõi và xác lập trật tự bá chủ-chư hầu đã là đặc trưng nổi bật của tư tưởng Đại Hán. Các triều đình phong kiến Trung Quốc vẫn tự xem mình là "Thiên Triều". Vào những thời kỳ này, biển chỉ được coi là chiến lũy tự nhiên, không cần chinh phục mà chỉ cần chú trọng đến phòng ngự trên bờ và cấm đoán tàu bè qua lại.
Đến nay, tư tưởng của Trung Quốc về biển đã thay đổi và dưới ảnh hưởng của tính toán lợi ích trong bối cảnh mới, Trung Quốc đã chủ động tham dự vào nhiều cuộc tranh chấp về chủ quyền biển, đảo với các nước láng giềng, khu vực, vốn hầu hết là các nước vừa và nhỏ trong hệ thống "cống nạp Thiên Triều" trước đây.
"Mèo trắng, mèo đen"
Sang thế kỷ XX-XXI, từ thời Mao Trạch Đông tới Hồ Cẩm Đào, Trung Quốc đã có ít nhất 4 lần điều chỉnh chiến lược đối ngoại lớn. Từ "Nhất biên đảo" thân Liên Xô đến chiến lược "Hai nhiệm vụ" gồm chống đế quốc và chủ nghĩa xét lại; rồi đến "Một nhiệm vụ" là theo phương Tây chống Xô và cuối cùng là chính sách độc lập hơn cho tới ngày nay.
Qua đối tượng mà chính sách hướng tới ở 4 lần đó, có thể thấy rằng Trung Quốc sẵn sàng điều chỉnh chủ trương đối ngoại, miễn sao tối ưu hóa được lợi ích quốc gia. Điều này đã được Đặng Tiểu Bình tổng kết trong thuyết "Mèo trắng, mèo đen" nổi tiếng trong những năm 1970s.
Đặt trong bối cảnh hiện tại, bất chấp việc bị phản đối, Trung Quốc vẫn sẵn sàng gây thêm căng thẳng ở khu vực biển Đông vì sự đòi hỏi của "nhiệm vụ" chiến lược an ninh, phát triển mới.
Ván cờ trăm năm
Từ xa xưa Trung Quốc đã coi mình là "trung tâm của thiên hạ", có toàn quyền hành xử với các nước nhược tiểu khác. Liên hệ với việc Trung Quốc mời thầu khai thác 9 điểm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo UNCLSO 1982, một số nhà quan sát coi đây như hành động "trả đũa" của Trung Quốc khi Quốc hội Việt Nam chính thức thông qua Luật biển.
Với Luật biển này, Việt Nam có thêm cơ sở pháp lý để hưởng đầy đủ các quyền lợi từ các quy định liên quan đến các vùng biển mà một quốc gia ven biển có quyền được hưởng, cũng như những quy định liên quan đến việc sử dụng, khai thác biển và đại dương. Việc này sẽ giúp gia tăng trọng lượng tiếng nói của Việt Nam trong các cuộc tranh chấp, điều mà Trung Quốc hoàn toàn không mong muốn.


Tuy nhiên, nhìn xa hơn, đó không chỉ là hành động "trả đũa" đơn thuần, nó nằm trong mạch chính sách mở rộng chủ quyền của Trung Quốc trong nhiều năm qua, thể hiện rõ nhất ở các hành vi hiện thực hóa "đường lưỡi bò" gần đây.
Nhiều nhà nghiên cứu từng tổng kết, với Trung Quốc, điều cần làm, Trung Quốc sẽ làm cho bằng được, dù có như chơi ván cờ thế kỷ. Với tư tưởng của một nước lớn đặc thù như vậy, Trung Quốc sẽ còn tiếp tục có thêm hành động để biến biển Đông thành "ao nhà".
Hòa bình nhưng phải bình đẳng
Đối với sự việc vừa qua, Việt Nam cùng ASEAN đang thúc đẩy một giải pháp lâu dài và toàn diện bằng cách đẩy nhanh tốc độ xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC). Trong cuộc họp của các quan chức cao cấp ASEAN (SOM) mới diễn ra ở Hà Nội, 10 nước ASEAN đã nhất trí với "các nội dung then chốt" của bản dự thảo COC.

Về cách giải quyết các căng thẳng với láng giềng Trung Quốc, nếu thời phong kiến, Việt Nam chọn con đường cốp nạp cốt để "dĩ hòa vi quý" và giữ thể diện cho nước lớn, thì ngày nay khi các quy tắc và thông lệ quốc tế đã trở thành chuẩn mực cho các mối quan hệ quốc tế thì các nước nhỏ cần sử dụng các quy định chung  để bảo vệ lợi ích quốc gia, với tư cách là một thành viên bình đẳng.

Dự thảo COC được đánh giá là dựa trên tinh thần của bản Tuyên bố về cách ứng xử trên biển Đông (DOC) và Công ước về Luật biển UNCLOS 1982 và các cơ sở khác, sẽ góp phần quan trọng trong việc duy trì hòa bình ổn định, bảo đảm an toàn, an ninh hàng hải và giải quyết các tranh chấp trên biển Đông.

Mặc dù quá trình ASEAN đàm phàn với Trung Quốc về từng điều khoản của COC  sẽ là một chặng đường dài và khó khăn, nhưng với COC khả năng biển Đông trở nên ổn định hơn sẽ có thêm cơ sở để thành hiện thực. Trung Quốc mấy năm qua đã cổ xúy cho chiến lược "phát triển hòa bình".
Có lẽ, nền hòa bình nào cũng có sự khó khăn và thử thách nhưng trước hết nền hòa bình đó phải dựa trên các nguyên tắc của công lý và bình đẳng.
Trung Quốc là nước lớn quan trọng, bởi vậy hành động của Bắc Kinh sẽ luôn được cả thế giới theo dõi và quan sát với những kỳ vọng tương xứng.

Theo Nguồn Từ
http://www.baomoi.com/Home/DoiNoi-DoiNgoai/tuanvietnam.vietnamnet.vn/Bien-Dong-Van-co-the-ki/8820033.epi

0 comments: