Một trong những người tham gia biểu tình chống Trung Quốc hôm 1/7 đã kể lại với BBC về những rắc rối cô gặp phải sau sự kiện này.
Cô Huỳnh Thục Vy, sinh năm 1985, đã bị bắt giữ hôm 1/7 tại thành phố Hồ Chí Minh nhưng được thả vào buổi tối cùng ngày.
Em trai cô, Huỳnh Trọng Hiếu, nói đảng viên kỳ cựu Lê Hiếu Đằng đã đứng chặn trước mũi xe công an để ngăn họ đưa chị em cô đi nhưng không thành.
Hôm 4/7, công an tỉnh Quảng Nam, quê gốc của Huỳnh Thục Vi, đã đưa xe vào thành phố Hồ Chí Minh để bắt và đưa cô trở lại tỉnh và giữ cho tới cuối ngày 5/7.
Trả lời Nguyễn Hùng của BBC ngay sau khi được thả hôm 5/7, Huỳnh Thục Vy nói về những suy nghĩ của cô về tự do và khẳng định cô không làm gì trái pháp luật.
Trước hết cô kể với BBC về diễn biến lúc bị bắt hôm 4/7:
Huỳnh Thục Vy: Trưa hôm qua, vào lúc 11 giờ tôi vẫn còn ở đồn công an phường Tân Quy, quận 7, Sài Gòn.
Sau đó, người ta đưa xe đến, có công an tỉnh Quảng Nam tôi nhận mặt ra. Sau đó người ta tách tôi ra khỏi chồng tôi. Người ta quăng tôi lên xe. Từ phường Tân Quy, người ta chở thẳng về Quảng Nam.
Suốt dọc đường người ta không cho tôi ăn uống gì. Tôi rất là mệt mỏi. Sáng nay [5/7] lúc 5 giờ thì tôi tới Quảng Nam.
Tôi được đưa vào đồn công an TP. Tam Kỳ, nhưng mà lại làm việc với công an tỉnh Quảng Nam, chứ không phải công an của TP.
Cho tới sáng nay tôi vẫn bị đói. Rồi người ta tiếp tục bảo tôi làm việc từ lúc 5 giờ đó đến lúc 9 giờ tối ngày hôm nay tôi mới được thả ra.
Trong thời gian ở trong đồn, người ta liên tục thẩm vấn tôi và người ta bỏ đói, bỏ khát tôi.
Người ta liên tục dọa nạt tôi là sẽ bỏ tù tôi.
Và có nhiều sự kiện tôi không thể nhớ được ngay bây giờ tại vì tôi rất là bối rối và mệt mỏi.
Nhưng mà thật sự xin cảm ơn mọi người đã quan tâm. Xin cảm ơn anh đã gọi điện phỏng vấn. Nếu anh có điều gì để hỏi thì xin anh hỏi.
BBC: Trong quá trình mà họ thẩm vấn tới nhiều tiếng đồng hồ, họ hỏi những gì mà nhiều vậy?
Họ hỏi về cuộc biểu tình. Họ hỏi tôi về Sài Gòn khi nào. Rồi cuộc biểu tình gồm có những ai.
Mấy anh em tôi đã bàn bạc kế hoạch đi biểu tình từ bao giờ, ở đâu. Rồi tôi biểu tình với mục đích gì.
Người ta còn hỏi thêm về việc viết bài của tôi. Người ta in những bài mới nhất mà tôi viết ra và bảo tôi phải ký xác nhận vào đó.
Và người ta hỏi tôi viết những bài này với mục đích gì.
Tôi trả lời gọn gàng cho người ta thôi. Tôi không bao giờ trả lời chống lại mình. Tôi nói tất cả những gì tôi làm không có gì vi phạm pháp luật.
Tôi đi biểu tình để thể hiện tâm tư yêu nước của mình.
Còn việc tôi viết bài, tôi chỉ chia sẻ ý kiến cá nhân, chia sẻ kiến thức quan điểm của mình, để thể hiện mong muốn Việt Nam sẽ có một xã hội tự do dân chủ thật sự.
Anh biết không, ngày hôm nay tôi ở trong đồn suốt cả ngày, tôi chỉ được nhìn ra ô cửa nhỏ nhỏ để nhìn ra bầu trời.
Tôi cảm thấy dân mình ở trên đất nước Việt Nam này cần tự do biết là bao nhiêu.
Thật sự tự do là tất cả những gì chúng tôi muốn. Chỉ có tự do mới làm cho chúng tôi sống thật sự như là một con người.
Và suốt từ 12 giờ ngày hôm qua đến 09 giờ ngày hôm nay tôi đã mất hẳn quyền tự do của mình.
Ngay cả đi vệ sinh cũng có người đi theo tôi và tôi cảm thấy yêu tự do, khao khát tự do hơn bao giờ hết và tôi muốn chia sẻ tâm tư này đối với tất cả các bạn trẻ, những bạn trẻ yêu nước, những bạn trẻ am hiểu thời cuộc, những bạn trẻ quan tâm đến tình hình đất nước rằng chúng ta phải nỗ lực, chúng ta phải cố gắng hơn nữa.
Đàn áp, bắt bớ, sách nhiễu, tù đày là những trở ngại chúng ta phải chấp nhận và phải vượt qua nó.
Khi vượt qua nó rồi thì chúng ta sẽ có phần thưởng, hoa trái cho nỗ lực đấu tranh của chúng ta.
Hiện tại ngày hôm nay Đảng Cộng sản Việt Nam đã thật sự rất là yếu rồi.
Và người ta thật sự chỉ dám ngược đãi sách nhiễu, chỉ dám làm cho chúng ta đủ mệt mỏi để chúng ta từ bỏ công cuộc đấu tranh, chứ người ta không thể giết chúng ta chết.
Và hơn hết tôi muốn nói với tất cả các bạn thanh niên Việt Nam rằng nếu chúng ta không có đủ dũng cảm, dũng khí như Phó Đức Chính nhìn vào lưỡi dao máy chém rơi xuống thì chúng ta cũng phải có đủ dũng khí để chấp nhận sự đàn áp, sự bắt bớ của nhà cầm quyền.
Làm theo Hiến pháp
BBC: Trong suốt quá trình thẩm vấn và bắt giữ, họ có đưa ra bất kỳ lý do tại sao họ bắt giữ và tại sao họ thẩm vấn không?
Họ nói với tôi là biểu tình trái pháp luật, gây rối trật tự công cộng, cộng với liên tục viết bài chống phá Đảng và Nhà nước.
BBC: Trước những cáo buộc như vậy thì chị nói sao ạ?
Tôi lúc nào cũng khẳng định là việc biểu tình của mình thể hiện lòng yêu nước. Về mặt luật pháp thì Việt Nam chưa có Luật Biểu tình mà chỉ có Hiến pháp điều số 9 quy định công dân Việt Nam có quyền biểu tình.
Chỉ dựa vào đạo luật cao nhất ấy để mà minh định rằng công dân có quyền biểu tình của mình.
Còn người ta nói với tôi là 'chị biểu tình chị có xin phép chưa?'
Thì tôi mới nói với họ rằng 'Các anh chưa có luật biểu tình, các anh không có nói là biểu tình là phải xin phép. Chỉ có một dòng duy nhất trong Hiến 'pháp quy định là công dân có quyền biểu tình thôi, không nói là phải xin phép thế này thế kia.
'Tại vì các anh chưa có luật biểu tình mà thì làm sao chúng tôi xin phép được?'.
BBC: Thế còn họ nói chị viết những bài chống phá nhà nước, chống phá Đảng thì chị trả lời sao?
Tôi trả lời rằng tôi viết với tất cả các tâm tư của mình.
Tôi thể hiện quan điểm cá nhân và đôi chút kiến thức mình học hỏi được để chia sẻ với các bạn trẻ, để thể hiện mong muốn rằng, chúng tôi - những người trẻ Việt Nam - mong muốn có một xã hội tự do dân chủ ở Việt Nam, một xã hội tự do dân chủ thật sự ở Việt Nam.
Và hơn nữa, tôi viết những bài đó để thể hiện sự phẫn nộ trước sự tồn tại bất công, sự tồn tại vô lý của Đảng Cộng sản.
Cái việc ngồi chễm chệ của họ trên đất nước này là sự tồn tại quá vô lý và tôi là người không chấp nhận được sự vô lý.
Bất cứ sự vô lý nào cũng làm cho tôi cảm thấy chướng tai gai mắt và tôi viết những bài đó để nói lên tâm tình của mình, sự phản kháng của mình, phản ánh thái độ bất mãn và cảm thấy sự tồn tại đó thật sự là vô lý.
Tôi không có chống ai nhưng tôi mong muốn một chế độ dân chủ thật sự trên đất nước này.
Tôi không chống chính phủ bởi vì như tôi đã nói trong một bài viết của mình 'Chống là phải dùng bạo lực.'
Tôi không có súng đạn trong tay, tôi chỉ viết bài, viết bài để thể hiện sự bất mãn của mình đối với chế độ độc tài đảng trị như thế này thì hành động đó mấy ông nói chống cũng được, không chống cũng xong.
Và các việc các ông nói là quyền của các ông. Tôi thì bảo lưu ý kiến và quan điểm của mình.
BBC: Khi họ bắt chị vào ngày 04/07, chị có phản đối việc bị bắt đưa lên xe không? Làm thế nào họ đưa được chị lên xe?
Sau khi người ta bắt đưa tôi và chồng tôi lên xe tới phường Cô Giang, người ta bắt tôi viết một bản tường trình.
Và sau đó làm một biên bản ghi lời khai. Trong bản tường trình tôi đã ghi rất rõ vì sao tôi đi biểu tình và ghi rất rõ quan điểm của mình là tôi thật sự lo lắng, lo ngại cho tương lai của Việt Nam sắp mất vào tay Trung Quốc.
Còn trong biên bản ghi lời khai tôi vẫn ký. Những gì tôi có thể nói được tôi đều nói với họ.
Những gì ảnh hưởng đến bạn bè, danh tính của bạn bè tôi không thể nói được là tôi không nói.
Hầu hết những việc tôi làm đều là những việc công khai.
Vì vậy tôi không có lý do gì để che dấu bất cứ ai, kể cả họ.
Và tôi với họ, tôi ký luôn biên bản ghi lời khai nhưng mà trong mỗi biên bản ghi lời khai tôi không bao giờ quên là tôi phản đối hành xử vô pháp luật, hành xử thô bạo của người ta đối với tôi cũng như đối với anh em tôi trong ngày hôm đó.
Về lại Quảng Nam
BBC: Diễn biến lúc bắt chị ngày hôm qua như thế nào?
Sau khi tôi làm việc với công an phường Tân Quy xong, khoảng 11 giờ tôi bước ra khỏi phòng làm việc thì tôi gặp anh Duy thì anh Duy nói là cần ra làm việc với một người an ninh cao cấp của TP Sài Gòn.
Tôi nói rằng mình không có vấn đề gì để tiếp tục làm việc với người ta nữa, anh em phải đi về thôi.
Chúng tôi dắt díu nhau đi về. Về thì công an Quảng Nam đã trực sẵn ở đó, được gọi điện để tới trực sẵn ở phường Tân Quy, đưa tôi lên xe của công an Quảng Nam và chạy khỏi phường Tân Quy, khỏi Sài Gòn và đi đâu mất.
Tôi không nhớ đường, tôi không biết người ta đưa tôi đi đâu, và đặc biệt là người nhà tôi thì càng không biết.
BBC: Họ cho chị vào xe bít bùng hay xe bình thường?
Xe bình thường, mười mấy chỗ ngồi.
BBC: Và họ cứ đi thâu đêm suốt sáng về tới Quảng Nam?
Dạ đúng. Người ta đi với tốc độ kinh khủng. Lúc 12 giờ người ta bắt đầu chạy từ phường Tân Quy, Sài Gòn đến 05 giờ sáng hôm nay 5/7 tôi có mặt ở trụ sở Công an TP Tam Kỳ.
BBC: Chặng đường đó bao xa?
Gần 1000 cây số. Bình thường, xe chạy mất ...[nhiều khi tới] 21 tiếng đồng hồ mới tới nơi, mà người ta chỉ chạy có 17 tiếng thôi.
Cả đêm hôm qua tôi thật sự không ngủ được chút nào.
Tôi bị đói, bị khát và xe rất là sóc, bởi vậy tôi không chợp mắt được. Cả từ sáng nay đến bây giờ tôi chưa hề được nghỉ ngơi gì cả ngày hôm nay.
BBC: Trong suốt thời gian từ hôm qua đến giờ họ không mời chị ăn uống gì hết?
Dạ đúng ạ. Và tôi thật sự rất là mệt mỏi.
BBC: Trên đường đi họ có nói gì với chị hay để chị ngồi vậy thôi?
Trên đường đi họ vẫn nói chuyện với tôi bình thường.
Có một cô công an nữ ngồi bên cạnh tôi để giúp tôi những vấn đề phụ nữ. Đặc biệt hôm nay tôi có vấn đề về vệ sinh phụ nữ cho nên cần có cô ta giúp đỡ tôi. Mỗi khi tôi đi vệ sinh thì cô ta phải đi theo.
BBC: Sau đó họ cũng không nói lý do bắt, lúc thả họ cũng không nói lý do tại sao họ thả?
Dạ. Người ta làm việc không có pháp luật, không có nguyên tắc gì anh ạ.
Người ta bắt tôi đáng lẽ phải có một cái lệnh bắt giữ như thế nào.
Người ta câu lưu tôi đáng lẽ phải có một cái lệnh tạm giữ, nhưng mà đến bây giờ họ không đưa tôi bất cứ lệnh hay trát nào.
Người ta làm việc vô pháp vô thiên, tôi không ngạc nhiên gì với cách hành xử đó. Và tất cả chúng ta cũng không ngạc nhiên gì về điều đó cả.
Ngày mai tôi lại có giấy triệu tập lúc 08 giờ sáng ở trụ sở công an TP Tam Kỳ.
BBC: Khi họ thả chị về, họ có bắt chị ký biên bản giấy tờ gì không?
Có, tôi có ký ba biên bản ghi lời khai, một giấy triệu tập, một biên bản liệt kê các đồ dụng gồm hai cái máy tính và nhiều dụng cụ đồ đạc khác người ta tịch thu từ trong phòng trọ từ Sài Gòn đem về đây.
BBC: Họ chỉ bắt chị ký, họ có trả lại không?
Người ta mở niêm phong để ghi trước mặt tôi. Người ta ghi những thứ mà người ta thu của tôi. Và sau đó người ta lại dán niêm phong trở lại và không nói là tới khi nào sẽ trả lại cho tôi hết.
Theo kinh nghiệm lần trước, người ta thu máy tính, máy in, tất cả các dụng cụ, các thông tin của gia đình tôi thì đến người ta vẫn chưa trả và người ta không có trả lời nào thích đáng về chuyện đó cả.
Nguồn tin từ BBC:
0 comments:
Đăng nhận xét