Nạn đạo văn, đạo luận án... diễn ra tràn lan trong xã hội hiện nay |
Từ góc độ công chúng bị những trí thức không biết tự trọng “tra tấn” trên truyền thông, người ta lại thấy thêm một vấn đề nghiêm trọng khác là mặt bằng và chuẩn mực những giá trị tri thức truyền thông phục vụ đại chúng đang bị một số gương mặt trí thức thuộc sở hữu của nhóm lợi ích truyền thông thao túng.
Những scandal sách dịch, sách giáo khoa, tác phẩm học thuật, đạo văn, đạo luận án... đặt ra một vấn đề: phải chăng đang có sự thoái hoá trong những người tự nhận là trí thức, và nếu đúng thì đâu là nguyên nhân?
Sự xuống cấp trong công việc trí thức
Nhiều người không tin những lỗi dịch thuật nghiêm trọng, những sai lầm sơ đẳng của những tác phẩm học thuật... là do kém trình độ ngoại ngữ, trình độ học thuật, văn chương của người, nhóm người đứng tên tác giả, dịch giả. Bởi không ai viết sách, dịch sách được xuất bản, được lăng xê và thành danh mà kém cả. Chỉ có thể giải thích: những người này đã không nghiêm khắc với bản thân trước công việc trí thức.
Lịch sử trí thức Việt Nam và thế giới không thiếu tấm gương sáng của những thiện trí thức về tư duy nghiêm cẩn, lao động chữ nghĩa và nhận thức tự phê rạch ròi... Một loạt sự cố về sách và dịch phẩm trong đời sống trí thức đất nước gần đây lại không mang tinh thần và phẩm chất của giới trí thức đúng nghĩa. Không ít những trí thức nổi tiếng, được xã hội ca ngợi tới đỉnh đang bị chính thứ hào quang đó đẩy mình vào tư thế cẩu thả, ngạo mạn trong công việc trí thức. Có một nhà văn khá nổi tiếng mà chúng tôi không tiện nêu tên, khi được hỏi vì sao gần đây ít thấy sáng tác mới, đã trả lời: “Vì cái gì mình viết cũng được khen hay trong khi chính mình lại thấy chưa được hay, nên sợ...”
Bên trong mỗi người trí thức chân chính đều có một nhà phê bình nghiêm khắc. Nếu danh tiếng anh lớn hơn tài năng và lao động sáng tạo của anh thì hậu quả không phải chỉ là nỗi nhục nhã ê chề mà lưỡi dao háo danh sẽ giết chết mọi thành quả.
Trong bối cảnh Việt Nam thiếu diễn đàn tranh luận trí thức và gần như là số không trong lĩnh vực phê bình học thuật, văn chương, người ta lại thấy một hiện tượng bất thường là những nhóm lợi ích trong lĩnh vực này đang nổi lên cướp vai trò chính thống của giới phê bình để thủ lợi. Những nhóm lợi ích này đang thâu tóm việc tôn vinh một tác phẩm và lăng xê tác giả. Ai cũng biết kiểu thao túng văn chương – học thuật như con buôn này nguy hại cho các giá trị sáng tạo và học thuật quốc gia đến mức nào. Nhưng trong khi bảng hiệu xuất bản thì của Nhà nước, thực lợi xuất bản lại thuộc về những nhóm lợi ích, hệ thống biên tập ở nhiều nhà xuất bản chính thức gần như chỉ còn giữ vai trò gác cửa chính trị, còn tất cả các nội dung khác của tác phẩm thì “treo đầu dê bán thịt chó”, kiểu nào cũng được các nhóm lợi ích đưa qua mọi cửa kiểm duyệt.
Sự thao túng của các nhóm lợi ích
Trong giới trí thức hiện nay, người ta thấy không thiếu những gương mặt “nổi tiếng” thay nhau xuất hiện tràn ngập trên các phương tiện thông tin đại chúng. Họ phát ngôn đủ loại đề tài, cả những đề tài không thuộc chuyên môn của mình. Từ góc độ công chúng bị những trí thức không biết tự trọng “tra tấn” trên truyền thông, người ta lại thấy thêm một vấn đề nghiêm trọng khác là mặt bằng và chuẩn mực những giá trị tri thức truyền thông phục vụ đại chúng đang bị một số gương mặt trí thức thuộc sở hữu của nhóm lợi ích truyền thông thao túng.
Trong công việc của trí thức, hầu như ai cũng nằm lòng một điều là: bên trong mỗi trí thức chân chính đều có một nhà phê bình nghiêm khắc. Nếu danh tiếng anh lớn hơn tài năng và lao động sáng tạo của anh thì hậu quả không phải chỉ là nỗi nhục nhã ê chề mà lưỡi dao háo danh sẽ giết chết mọi thành quả. Nhận diện những nhóm lợi ích đang huỷ hoại mình là cần thiết, nhưng cần thiết hơn là hãy tự trọng bảo vệ và hành xử theo lương tri nghiêm khắc của mình sao cho xứng với danh hiệu trí thức.
Theo nguồn tin
0 comments:
Đăng nhận xét