Kinh nghiệm lịch sử cho thấy, để thay "chiếc áo quá chật" cần phải tìm ra "chiếc áo phù hợp" hơn là "mặc vội vàng một chiếc áo mới" rồi chỉnh sửa, thêm bớt cho vừa vặn. Sự thành công không nằm ở việc có được một "mẫu" chính quyền đô thị hoàn hảo mà ở cách vận hành bộ máy.
Bộ Chính trị vừa mới đồng ý tiếp tục cho phép TP.HCM được thực hiện thí điểm đề án tổ chức quản lý theo mô hình chính quyền đô thị. Sự kiện trên lồng dưới bối cảnh bất cập trong nhiều hồ sơ quản lý hành chính cho thấy thời điểm đổi mới mô hình quản lý đô thị hiện nay bắt đầu "chín muồi".
Năm 2006, Hội thảo "Xây dựng chính quyền đô thị Tp Hồ Chí Minh - một yêu cầu cấp thiết của cuộc sống" đặt ra những đề án cụ thể đầu tiên để thay "chiếc áo mới" cho chính quyền cấp thành phố. Cuối năm 2011, đề án "Chính quyền đô thị" của Đà Nẵng được hoàn tất. Không lâu sau đó, 2/2012, quyết định thành lập Ban chỉ đạo Trung ương xây dựng đề án thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị đã được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thông qua (số 192/QĐ - TTg).
Tuy vậy lời giải cho những "nút thắt cổ chai" để đưa mô hình vào thực tiễn cuộc sống đến nay vẫn đang tiếp tục phải suy nghĩ.
Bỏ trung gian, phân tầng quản lý
Sắc lệnh năm 1945 (số 63 và số 77) đã quy định chính quyền địa phương ở nước ta chia làm 4 cấp: kỳ (cấp trung gian giữa Chính phủ và địa phương) - tỉnh/thành phố - huyện (cấp trung gian) - xã/ khu phố. Theo đó, địa bàn nông thôn bao gồm 3 cấp: tỉnh, huyện, xã và địa bàn đô thị bao gồm 2 cấp: thành phố và khu phố. Cấp kì, cấp huyện và cấp khu phố được quy định là cấp chính quyền chưa hoàn chỉnh, sẽ chỉ có Ủy ban nhân dân (UBND) có nhiệm vụ thi hành mệnh lệnh của cấp trên, không có Hội đồng nhân dân (HĐND).
Sau giải phóng miền Nam (30/4/1975) xuất hiện một vấn đề: Các thành phố như Hà Nội, Hải Phòng vẫn giữa 2 cấp chính: thành phố - khu phố (có thêm cấp tiểu khu dưới cấp khu phố); riêng Tp Hồ Chí Minh lại chia thành: thành phố - quận, phường. Để thống nhất về vấn đề tên gọi, Hiến Pháp 1980 quy định các thành phố trực thuộc Trung ương sẽ có 3 cấp với tên gọi thống nhất: thành phố - quận - phường và có đủ HĐND, UBND cho mỗi cấp.
Sắc lệnh đã ban hành, tuy nhiên, sự phân biệt giữa chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn vẫn chưa rõ ràng vì mô hình và phương thức hoạt động của HĐND và UBND được áp dụng gần như giống nhau cho cả chính quyền đô thị và nông thôn.
Theo ông Nguyễn Ánh Dương (Bộ Nội Vụ) có bốn nguyên nhân cơ bản đặt ra yêu cầu "thay áo mới" cho chính quyền đô thị hiện đang phải "mặc chung chiếc áo nông thôn".
Một là đô thị là một thể thống nhất, không chia cắt thành các bộ phận riêng rẽ như nông thôn. Hai là dân cư một đô thị đều có chung một nhu cầu lợi ích, không phụ thuộc địa bàn cư trú. Mặt khác, tính chất của cư dân đô thị cũng có phần khác biệt với cư dân nông thôn. Ba là đô thị là nơi trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa cũng như những tệ nạn tiêu cực với hàm lượng cao. Bốn là sự chuyển đổi vai trò của Nhà nước đối với vấn đề quản lý đô thị trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiện nay theo hướng "Nhà nước thu nhỏ, tư nhân phình to"/
Để hình dung, ông Võ Văn Thôn (nguyên Giám đốc Sở Tư Pháp Tp HCM) ví von: cơ thể con người dù nhiều bộ phận cũng nằm dưới sự điều hành của não, giống như thành phố dù có quy mô lớn thì cũng chịu sự điều hành của một bộ máy chính quyền duy nhất mới hiệu của được.
Theo đó, "chiếc áo mới" được phác thảo theo mô hình hai hướng chính như sau. Đối với khu vực nội thị, áp dụng mô hình một cấp chính quyền - HĐND và UBND cấp đô thị trực tiếp quản lý. Cấp quận, phường thì lượt bỏ HĐND, chỉ giữ lại UBND như là "cánh tay nối dày" từ "bộ não cấp đô thị", đóng vai trò thực thi những nhiệm vụ được giao. Tất cả quyền lực sẽ được điều hành dưới sự chỉ đạo của một cá nhân để có những quyết sách nhanh gọn hơn và quy trách nhiệm dễ dàng hơn là huy động tập thể.
Đối với khu vực ngoại thành, nếu vẫn mang tính chất nông thôn thì sẽ vẫn giữ mô hình hai cấp chính quyền. Riêng đối với đề án "Mô hình chính quyền đô thị của Tp Đà Nẵng" thì lược bỏ HĐND cấp huyện, giữ lại HĐND cấp thành phố và cấp xã.
Dù mức độ lược bỏ mỗi thành phố có sự khác nhau, sự khác biệt cơ bản giữa chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn là sự tập trung quyền lực về một đầu mối duy nhất, để giản lược bộ máy hành chính cồng kềnh, bỏ đi cấp trung gian đối với chính quyền đô thị và sự phân tầng các cấp quản lý đối với chính quyền nông thôn.
Những nút thắt cổ chai
Khó khăn đầu tiên dễ nhận ra nhất là cơ sở lý luận và cơ sở thực hiện về chính quyền đô thị. Đây là việc ở nước ta chưa từng có tiền lệ.
Làm sao để đo được tính khả thi của những đề án chính quyền đô thị của Tp Hồ Chí Minh, Đà Nẵng khi các bên tham gia, từ góc nhìn ở trên ở tầng mức Trung ương, đến các cơ sở thực hiện vai trò thí điểm, chưa được xây dựng một nền tảng đồng bộ về nhận thức.
Câu hỏi phân cấp như thế nào, bao nhiêu lĩnh vực, quyền hạn "tự quản" mỗi đơn vị đến đâu càng khó trả lời khi nước ta chưa có quy định cụ thể và mỗi đô thị lại có đặc thù riêng.
Phân quyền cũng đồng nghĩa với phân công trách nhiệm. Không phải là một chiều nhận chỉ đạo từ trung ương, mà chính quyền đô thị cần có một quyền độc lập nhất định. Một trong những bài học quan trọng nhất của các mô hình đô thị thành công là kết nối được mối liên hệ giữa chính quyền trung ương và địa phương. Tăng cường quyền tự quản của chính quyền đô thị, giảm thiểu sự can thiệp của chính quyền Trung ương theo phương châm "Ai làm không quan trọng, điều quan trọng là làm như thế nào"- sự am hiểu địa phương thuộc về chính quyền địa phương, nên kế hoạch, chính sách phải do địa phương đề xướng dưới sự chỉ đạo, kiểm soát của Trung ương.
Vì thế những bất cập về cơ chế pháp lý thiếu đồng bộ, chưa được đổi mới, chẳng hạn như Chương IX, Hiến Pháp 1992 và Luật 2003 (luật về tổ chức UBND và HĐND số 11/2003/QH11 ban hành ngày 26/11/2003) sẽ phải sửa đổi cho phù hợp.
Nhìn vào vấn đề nhân lực, trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ quản lý, đặc biệt là "thị trưởng" cũng là một thách thức không nhỏ. Yêu cầu đặt ra là bố trí cán bộ hợp lý, xóa bỏ tình trạng không đồng đều trình độ giữa các cấp, nâng cao trách nhiệm của mỗi cá nhân cũng như đẩy mạnh "tin học hóa" nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý.
Việc thống nhất "quyền lực" về một mối không những là sự thay đổi của cơ chế quyết sách với vai trò của một người chịu trách nhiệm đứng đầu mà còn đòi hỏi dàn cán bộ kỹ trị được đào tạo bài bản, để thực thi các chính sách được giao một cách nhanh gọn và hiệu quả hơn.
Bên cạnh đổi mới cơ cấu tổ chức, chính quyền đô thị còn yêu cầu đổi mới sự phân chia các mảng quản lý giữa chính quyền cấp trên và cấp "hỗ trợ". Theo đó thì chính quyền cấp "hỗ trợ" sẽ nắm rõ hơn những lĩnh vực trong phạm vi của mình, dẫn đến sự chủ động giải quyết những vấn đề của đô thị.
Sự phân quyền này ngoài vấn đề pháp lý kể trên, còn là câu hỏi về khoa học tổ chức mà cho đến nay nhiều mô hình được bàn tới.
Ngoài ra, một bất cập khác đến từ sự chưa hoàn thiện cơ sở hạ tầng và tình hình bất ổn về kinh tế chính trị xã hội trong và ngoài nước trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng dân số của đô thị.
Một ví dụ điển hình là Tp Hồ Chí Minh với tốc độ gia tăng dân số 2,8% năm 2011 (theo tính toán của Cục thống kê Tp Hồ Chí Minh thông số này cao hơn mức bình quân thế giới là 1,2%), xếp thứ hai trong danh sách hai mươi thành phố có dân số tăng nhanh nhất thế giới trong khi GDP bình quân hàng năm chỉ tăng 7%. Dù là đầu tàu của các nước nhưng hàng loạt những thách thức về ô nhiễm môi trường, giảm ùn tắc giao thông, tệ nạn xã hội, ngập nước...là bài toán hóc búa.
Hơn nữa, không thể phủ nhận khái niệm "chính quyền đô thị" đối với người dân vẫn còn khá mới, với tư quy ngại thay đổi thì vấn đề tuyên truyền để đạt được sự đồng thuận không dễ dàng.
Bên cạnh huy động nhân lực, huy động nguồn vốn để triển khai mô hình cũng là câu hỏi đau đầu cho những nhà hoạch định chính sách. Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế hiện nay, tiền để xóa bỏ những vấn đề nội tại thành phố đã không đủ, huống chi tiền để "mua" một mô hình mới rồi "vận hành" nó càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Kinh nghiệm lịch sử cho thấy, để thay "chiếc áo quá chật" cần phải tìm ra "chiếc áo phù hợp" hơn là "mặc vội vàng một chiếc áo mới" rồi chỉnh sửa, thêm bớt cho vừa vặn. Sự thành công không nằm ở việc có được một "mẫu" chính quyền đô thị hoàn hảo mà ở cách vận hành bộ máy. Bài học về xây dựng 'cơ sở hạ tầng" song hành "kiến trúc thượng tầng" có thể sẽ được kiểm chứng qua việc hình thành một mô hình chính quyền đô thị hợp lý và hoàn chỉnh: không những về phần cứng qua cầu đường trường trạm hay thiết chế thực hiện, mà cả ở phần mềm trong suy nghĩ, lẫn tư duy.
Theo nguồn tin :
0 comments:
Đăng nhận xét