Thứ Sáu, 6 tháng 7, 2012

Đà Nẵng lên án Trung Quốc thành lập "Thành Phố Tam Sa"


Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Nẵng đã lên án chính phủ Trung Quốc thành lập thành phố Tam Sa bao trùm quần đảo Hoàng Sa mà Đà Nẵng xem là một huyện của mình.

Động thái phản đối ở cấp địa phương này tiếp sau phản ứng ở cấp trung ương của Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 21/6.

Theo đó, Nghị quyết của kỳ họp toàn thể của Hội đồng Nhân dân Đà Nẵng khóa 8 đã lên án Trung Quốc ‘vi phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam’ và mô tả quyết định thành lập thành phố Tam Sa’ của nước này là ‘không có giá trị pháp lý’.

Nghị quyết này, vốn cũng đề cập đến các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội của thành phố, đã được toàn bộ các đại biểu hội đồng nhất trí thông qua trong phiên họp chiều thứ Tư ngày 4/7.


“Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Nẵng khẳng định huyện đảo Hoàng Sa là một đơn vị hành chính trực thuộc thành phố Đà Nẵng,” Nghị quyết nêu rõ và yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ thành phố Tam Sa.

"Nếu (Trung Quốc) có bất cứ hành động xâm phạm lãnh thổ Việt Nam, chúng ta sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ sự toàn vẹn của Tổ quốc"

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh

Trước đó, trong phiên khai mạc kỳ họp vào sáng thứ Ba ngày 3/7, Chủ tịch Đà Nẵng Văn Hữu Chiến đã lên tiếng ‘kiên quyết phản đối’ việc Trung Quốc ‘thành lập cái gọi là thành phố Tam Sa’.

Ông Chiến cũng đã từng lên tiếng phản đối Trung Quốc hôm 23/6 ngay sau khi nước này loan báo thành lập ‘thành phố Tam Sa’ và nói rằng ‘chính quyền và nhân dân Đà Nẵng hết sức bất bình’ trước việc này.

Cổng thông tin điện tử của Đà Nẵng cũng cho biết các đại biểu tại kỳ họp Hội đồng Nhân dân kỳ này đăc biệt quan tâm đến việc ‘khẳng định chủ quyền của Việt Nam’ đối với quần đảo Hoàng Sa.

Các đại biểu khẳng định Hoàng Sa là ‘bộ phận không thể tách rời’ của Đà Nẵng và phản đối bất cứ hành động xâm phạm nào đối với quần đảo này.
Cổng thông tin điện tử Đà Nẵng dẫn lời ông Nguyễn Bá Thanh, chủ tịch Hội đồng Nhân dân kiêm bí thư Thành ủy thành phố, nhận xét rằng ‘cần phải có phương pháp đấu tranh khôn ngoan, không gây căng thẳng, giữ ổn định để phát triển’ trong bối cảnh tình hình hình trên Biển Đông diễn biến ‘hết sức phức tạp’.

“Tuy nhiên, nếu (Trung Quốc) có bất cứ hành động xâm phạm lãnh thổ Việt Nam, chúng ta sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ sự toàn vẹn của Tổ quốc,” ông Thanh được dẫn lời nói.

An ninh biển

Đà Nẵng coi Hoàng Sa là một huyện thuộc quyền quản lý của mình

Hai ngày trước khi Hội đồng Nhân dân Đà Nẵng ra nghị quyết này, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đã có buổi làm việc với lãnh đạo Đà Nẵng về tình hình an ninh quốc phòng trên vùng biển của thành phố.

Trong buổi làm việc này, quan chức Đà Nẵng cho hay đã có gần 200 tàu của nước ngoài xâm phạm lãnh hải Việt Nam tại vùng biển Đà Nẵng tính từ đầu năm 2012, theo tường thuật của trang mạng Infonet của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Lãnh đạo Đà Nẵng nêu đích danh đa phần các tàu xâm phạm trong số này đến từ Trung Quốc.

Bộ đội biên phòng Đà Nẵng cho biết họ đã xua đuổi các tàu này ra khỏi lãnh hải của Việt Nam khi phát hiện.

Bộ đội biên phòng Đà Nẵng cũng cho biết họ đã phát hiện hiện tượng ‘nhiều người Trung Quốc đến các vùng biển thu mua vỏ tàu cũ’ trong 2 năm 2010 và 2011, cũng theo trang mạng infonet.

Bên cạnh đó, lực lượng biên phòng cũng xử lý 14 người Trung Quốc ‘núp dưới vỏ bọc đi du lịch tạm trú tại khu vực cảng cá Thọ Quang, quận Sơn Trà, để thu mua hải sản’.

Lãnh đạo Đà Nẵng cho biết họ đã kịp thời xử lý những vụ việc này và đã trục xuất những người vi phạm.

‘Phản ứng gay gắt’

Ông Nguyễn Bá Thanh kêu gọi người dân Đà Nẵng bình tĩnh

BBC đã liên lạc với Đại tá Thái Thanh Hùng, chủ tịch Hội Cựu chiến binh Đà Nẵng và là đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố để tìm hiểu thêm về việc Đà Nẵng lên án Trung Quốc.

Ông Hùng chính là người đã đề nghị Hội đồng Nhân dân đưa nội dung phản đối Trung Quốc thành phố Tam Sa vào nghị quyết kỳ họp của mình.

Giải thích lý do thành phố Đà Nẵng lên tiếng phản đối, ông Hùng nói rằng hành động của Trung Quốc đã ‘đụng chạm đến chủ quyền Đà Nẵng, đụng chạm đến nhân dân Đà Nẵng’.

Ông cho biết trước phiên họp của Hội đồng Nhân dân thì các cử tri Đà Nẵng đã có những ‘phản ứng gay gắt’ trước động thái từ phía Trung Quốc và việc các đại biểu hội đồng nhân dân đồng lòng lên án động thái này cũng là phản ánh ý kiến của người dân thành phố.

“Chính quyền và Hội đồng Nhân dân (Đà Nẵng) cũng giải thích cho bà con cử tri hãy bình tĩnh,” ông nói, “Việc đó còn chính phủ, còn chính quyền thành phố. Không nên manh động có những thái độ thái quá. Cố gắng vừa đấu tranh vừa giữ mối quan hệ với Trung Quốc.”

"Việc đó (chủ quyền với Hoàng Sa) còn chính phủ, còn chính quyền thành phố. Không nên manh động có những thái độ thái quá. Cố gắng vừa đấu tranh vừa giữ mối quan hệ với Trung Quốc."

Thái Thanh Hùng, đại biểu Hội đồng nhân dân Đà Nẵng

Về phần mình, với tư cách vừa là cựu chiến binh vừa là dân biểu, ông Hùng nói rằng ‘Hội Cựu chiến binh Đà Nẵng cực lực phản đối việc làm sai trái (của Trung Quốc)’.

Nhưng với những ‘kinh nghiệm xương máu’ trong cuộc chiến tranh ‘chống đế quốc xâm lược’, ông Hùng cho rằng đấu tranh bảo vệ chủ quyền trong tình hình hiện nay ‘không chỉ dựa vào sức mạnh quân sự’ mà ‘phải vận dụng sức mạnh tổng hợp’.

“Đà Nẵng tiếp tục tìm những chứng cứ xác thực để chứng minh Hoàng Sa là một phần lãnh thổ của Đà Nẵng từ trước đến nay,” ông nói.

Ông cũng cho biết sắp tới Đà Nẵng sẽ cử phái đoàn hoặc đi riêng hoặc tháp tùng phái đoàn của chính phủ Việt Nam sang Trung Quốc để tiếp tục làm việc và ‘tỏ rõ thái độ’ đối với chính phủ và nhân dân Trung Quốc về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa.

Theo nguồn tin từ

0 comments: