Thứ Ba, 12 tháng 6, 2012

Trung Quốc đang nhào nặn lịch sử ở Biển Đông?

“Manila sẵn sàng đương đầu với người khổng lồ Go-li-át?” của Javad Heydarian. Trước tình hình bế tắc ở bãi cạn Scarborough đã bước sang tháng thứ hai, nhiều người hoài nghi không biết liệu Phi-lip-pin bé nhỏ có thể đứng vững bao lâu nữa trước sức ép về ngoại giao và quân sự từ Bắc Kinh. Điều mang tính quyết định trong tranh chấp lãnh thổ chính là việc các bên tranh chấp làm thế nào để sử dụng sức mạnh quốc gia để bảo vệ lợi ích của nó. Từ đó có thể thấy rằng, Trung Quốc hoàn toàn vượt trội Phi-lip-pin trong tranh chấp này về các mặt sức mạnh, chi tiêu, trang bị quân sự. Nhìn bề ngoài, Trung Quốc dường như đang thắng thế. Chỉ tính riêng chi tiêu quốc phòng, Trung Quốc đã vượt trội hơn so với tất cả các nước láng giềng xung quanh biển Đông. Đáp lại Trung Quốc, Phi-lip-pin đã sử dụng các biện pháp ngoại giao chủ động nhằm vận động sự ủng hộ trong khu vực cho các tuyên bố chủ quyền của mình. Cho đến nay, có một điều rõ ràng là Phi-lip-pin không đơn độc trong tranh chấp này, và Phi-lip-pin cũng không có ý định sẽ rút lui sớm.


“Trung Quốc đang nhào nặn lịch sử ở Biển Đông?” của Philip Bowring. Trong trường hợp bãi cạn Scarborough, Bộ Ngoại giao Trung Quốc dẫn “bằng chứng lịch sử” trong bản đồ Trung Quốc hồi thế kỷ 13, khi Trung Quốc đang bị người  Mông Cổ thống trị. Tấm bản đồ này xuất phát từ một chuyến đi của một tàu của Nhà Nguyên thời đó. Lập luận người Trung Quốc là “người đầu tiên” đi lại trên Biển Đông là cực kỳ phi lý. Đoàn thủy thủ Trung Quốc là những người đến sau ở Biển Đông, chứ nói gì đến hoạt động thương mại trên Ấn Độ Dương. Một yếu tố bất hợp lý khác trong đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc đối với bãi cạn Scarborough là dựa vào Hiệp ước Paris năm 1898. Trung Quốc hiện bám lấy thỏa thuận giữa hai cường quốc nước ngoài thống trị Philippines để tuyên bố rằng Manila không có chủ quyền đối với Scarborough. Trớ trêu là Trung Quốc lại phản đối “các điều ước quốc tế bất bình đẳng” do thực dân phương Tây đưa ra như trường hợp đường ranh giới McMahon phân chia biên giới giữa Ấn Độ và Tây Tạng. Trung Quốc đang ra sức khẳng định chủ quyền đối với Biển Đông bằng cách viết lại lịch sử mà không hề xem xét yếu tố địa lý. Những tranh cãi hàng hải hiện nay sẽ không kết thúc cho tới chừng nào bên tranh chấp lớn nhất trong khu vực ngừng viết lại quá khứ.

“Tranh chấp Trung-Phi: Một cuộc chiến dai dẳng?” Tình hình bế tắc giữa Trung Quốc và Phi-líp-pin đang dần được gỡ rối nhưng căng thẳng giữa hai bên vẫn còn tồn tại, ngay cả khi tàu của hai nước đã rời khỏi khu vực mà họ đã giáp mặt trong nhiều tuần qua. Thực tế, cả Trung Quốc và Phi-líp-pin đều không bên nào hưởng lợi từ tình hình bế tắc hiện tại và làn sóng ngầm của sự thù địch có thể sẽ còn dai dẳng trong tương lai. Tình hình bế tắc này đã cho thấy rõ những thiếu hụt của lực lượng hải quân già cỗi của Phi-líp-pin, cùng với việc cuộc xung đột mở rộng gây tác động tới kinh tế cũng có thể làm cho Manila tổn thất đáng kể. Trong khi đó, Trung Quốc đã nhận ra rằng các nước khác đã có các động thái coi Phi-líp-pin như là nước bị đối xử bất công trong tranh chấp, cho dù Trung Quốc thời gian đầu đặt vấn đề như đây là sự gây hấn từ phía Manila. Vấn đề tranh chấp trong vùng Biển Đông đã leo thang lên tầm quốc tế và Bắc Kinh đã rời khỏi vùng tranh chấp với tư thế là một kẻ thất bại trong cuộc chiến giành sự ủng hộ của công chúng.

“Vai trò của Scarborough đối với Mỹ” của Walter Lohman. Trong tình huống bế tắc hiện tại ở Scarborough giữa Trung Quốc và Phi-lip-pin, sự can dự của bên thứ ba là điều hiển nhiên. Nếu như Mỹ chính thức tuân thủ hiệp định Phòng thủ Chung giữa Mỹ -Phi-lip-pin (MDT), Mỹ có thể phản ứng bằng nhiều cách từ việc lên tiếng chỉ trích Trung Quốc đến việc tăng cường bảo vệ cho các tàu của Phi-lip-pin. Việc quyết định lựa chọn phương thức phản ứng liên quan đến chính trị và phụ thuộc nhiều vào hoàn cảnh của xung đột. Trung Quốc đang thử tính vững chắc của hiệp ước giữa Mỹ và Phi-lip-pin. Cách chính quyền Mỹ xử lí thách thức này có ý nghĩa quan trọng trong khu vực, nhất là đối với những đồng minh khác. Tóm lại, nếu như chính quyền Obama không ủng hộ các nước đồng minh trong vấn đề Biến Đông, các nước này sẽ không còn lòng tin ở Mỹ. Vai trò trung tâm của Mỹ trên thế giới cũng không thể bù đắp cho sự mất mát này.


“Bắc Kinh thờ ơ Shangri-La: Lợi bất cập hại?” của John Lee. Mặc dù trước đó có những dấu hiệu thể hiện rằng ông Lương Quang Liệt sẽ rất hăm hở tham dự Đối thoại Shangri-La, nhưng cuối cùng ông Lương vẫn vắng mặt tại Singapore cuối tuần qua. Việc không tham dự, hoặc cung cấp lời giải thích thỏa đáng cho điều này, sẽ chỉ củng cố quan điểm rằng, văn hóa và bản chất chính trị của Bắc Kinh vốn bí mật và lại thêm không minh bạch hoặc hợp tác. Trong bài phát biểu khai mạc, bộ trưởng Mỹ đã nói về việc nước này đang nỗ lực tăng cường vai trò của mình trong sự bảo đảm hòa bình, thịnh vượng, và trật tự cởi mở dựa trên luật lệ ở các lĩnh vực "biển, không gian và không gian ảo". Nước Mỹ, mặc dù nền kinh tế phục hồi chậm chạp và chiến dịch tranh cử tổng thống đang diễn ra, thì vẫn cam kết ràng buộc với châu Á, không từ bỏ các nguyên tắc minh bạch cũng như chia sẻ trách nhiệm. Còn Trung Quốc, đối mặt với thách thức kinh tế và sự chuyển giao quyền lực, đã phải dùng đến phương cách giấu giếm và gia tăng quả quyết ở Biển Đông. Trong quyết định giữ khoảng cách với Singapore, Bắc Kinh đã tạo cơ hội cho Mỹ có được cú đá phạt trực tiếp đáng kể trên mặt trận ngoại giao.

“Trung Quốc là một đối thủ: Hãy thừa nhận điều này” của J. Randy Forbes. Các công chức Hoa Kỳ phải thừa nhận rằng, trong khi có nhiều cơ hội hợp tác với Trung Quốc, nhưng cũng có những yếu tố trong mối quan hệ của chúng ta đang và sẽ còn cạnh tranh. Thực ra, chúng ta đang tham gia vào một cuộc cạnh tranh thời bình kéo dài với Trung Quốc mà tâm điểm là sự bất đồng quan điểm về hệ thống quốc tế. Điều này không có nghĩa là sự xung đột giữa hai nước không thể tránh khỏi. Một trong những thách thức lớn nhất mà chúng ta đối diện trong việc cố gắng chuẩn bị cho một cuộc cạnh tranh thời bình kéo dài với Trung Quốc nằm ở sự bảo đảm và giữ vững các nguồn lực cần thiết. Cuối cùng, chúng ta sẽ không thành công nếu chúng ta vẫn ở tình trạng chống lại việc bàn thảo về cạnh tranh chiến lược mà chúng ta có thể nói hoặc nói công khai về việc hiện đại hóa quân sự của PLA và chuyện này tác động như thế nào lên mục tiêu và chủ đích của chúng ta.

“Mỹ gia nhập cuộc đua vũ khí châu Á: Tốt hay xấu?” của Endy Bayuni. Tuyên bố số phận của mình gắn liền với châu Á, Mỹ đã công bố chi tiết các kế hoạch để xây dựng và tăng cường sự hiện diện quân sự trong khu vực. Và, thời gian sẽ trả lời rằng, liệu sự hiện diện của Mỹ sẽ là lực lượng tích cực cho hòa bình, phát triển và thịnh vượng của châu Á, hay đơn giản là làm căng thẳng leo thang trong một khu vực vốn đã phức tạp bởi một cuộc chạy đua vũ trang. Với trung tâm hấp lực kinh tế đang chuyển dần về khu vực châu Á - Thái Bình Dương, các lợi ích Mỹ cũng gắn bó chặt chẽ với vận mệnh của khu vực này trong thế giới. Nhưng châu Á còn là ngôi nhà của một số "điểm nóng": căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên và Eo biển Đài Loan, chồng lấn chủ quyền ở Biển Đông, Hoa Đông… Trong khi các nước ở khu vực tăng cường xây dựng các khả năng quân sự (kể cả Mỹ) là một kết quả không tránh khỏi từ sự thịnh vượng kinh tế của châu Á, thì ít người suy tính tới khả năng sử dụng vũ khí tối tân và hủy diệt của họ để chống lại đối phương. Hơn ai hết, họ nhận ra rằng, nếu tiếng súng vang lên, họ có thể hoàn toàn làm chệch hướng và đảo lộn toàn bộ tiến trình của cả khu vực.
“Bãi cạn Scarborough: Điểm nóng đối đầu hay cơ hội cho hợp tác?” của Robert Beckman.  Từ ngày 10 tháng 4 năm 2012, Bãi cạn Scarborough trở thành nguyên nhân bế tắc giữa các tàu của Philippin và Trung Quốc. Có ít nhất hai lựa chọn khả thi để quản lý những xung đột tiềm tàng giữa Trung Quốc và Philippin trong tranh chấp Bãi cạn Scarborough. Cả hai sự chọn lựa này đều buộc hai quốc gia trước hết phải chấp nhận (ít nhất là không chính thức) rằng chủ quyền đối với Bãi cạn và lãnh hải 12 hải lý xung quanh là có tranh chấp. Lựa chọn đầu tiên là hai quốc gia đồng ý đưa tranh chấp lãnh thổ ra tòa án quốc tế và yêu cầu tòa đưa ra quyết định xem quốc gia nào có yêu sách chủ quyền hợp pháp hơn. Lựa chọn thứ hai là hai quốc gia Trung Quốc và Philippin chấp nhận gạt tranh chấp chủ quyền sang một bên và cùng quản lý khai thác cá trong khu vực tranh chấp. Nếu những thỏa thuận như vậy có thể được đàm phán đối với khu vực tranh chấp quanh Bãi cạn Scarborough thì nó có thể đưa ra một hình mẫu cho những thỏa thuận hợp tác tại những khu vực tranh chấp khác ở Biển Đông.
Theo nguồn tin "Nghiên cứu Biển Đông"
http://nghiencuubiendong.vn/bien-dong-tuan-qua/2662-bin-ong-tun-qua-t-46-106


0 comments: