Thứ Ba, 12 tháng 6, 2012

Tóm tắt tình hình chiến sự ở Biển Đông tuần qua

Hải quân Việt-Trung tuần tra liên hợp ở Biển Đông; Trung-Phi rút tàu khỏi khu vực đầm phá của Bãi Scarborough; Trung Quốc nâng cấp phủ sóng di động trên Biển Đông và công bố báo cáo đánh giá sức mạnh của Mỹ và Nhật Bản; Việt Nam khánh thành lá cờ Tổ quốc bằng gốm ở Trường Sa; Mỹ giúp Philippines xây dựng Trung tâm Giám sát Bờ Biển và cam kết tăng cường hiện diện quân sự ở nước này.

Quốc kỳ Việt Nam bằng gốm trên mái tòa nhà hội trường của đảo Trường Sa Lớn

I. Động thái của các quốc gia:
[+] Trung Quốc:

Trung Quốc nâng cấp phủ sóng di động trên Biển Đông. Công ty di động Trung Quốc đã thực hiện nâng cấp phủ sóng tuyến đường biển từ cảng Thanh Lan, Hải Nam đến đảo Vĩnh Hưng (Phú Lâm, Hoàng Sa), phạm vi phủ sóng trên mặt biển từ 15km trước đây lên 18km, cơ bản đã phủ sóng tín hiệu di động ở khu vực có hoạt động của con người ở quần đảo Hoàng Sa. Tuyến đường biển từ cảng Thanh Lan đến đảo “Vĩnh Hưng” là tuyến vận tải chủ yếu từ đảo Hải Nam đến quần đảo Hoàng Sa và các đảo khác ở Biển Đông. (Theo Mạng Nhân dân ngày 6/6)

Trung Quốc công bố báo cáo đánh giá sức mạnh của Mỹ và Nhật Bản. Ngày 5/6, Hội Xúc tiến Văn hóa Chiến lược Trung Quốc đã tổ chức một cuộc họp báo để chính thức công bố bản báo cáo “Đánh giá sức mạnh quân sự của Mỹ năm 2012” và “Đánh giá sức mạnh quân sự của Nhật Bản năm 2012”. Đây là lần đầu tiên một bản báo cáo đánh giá sức mạnh quân sự của nước ngoài được đưa ra bởi giới dân sự Trung Quốc.

Trung Quốc: ‘Mỹ tăng hiện diện ở châu Á là không thích hợp’ Trong cuộc họp báo thường kỳ hôm 4/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vĩ Dân nói rằng: "Hiện nay, xu hướng và khát vọng lớn của khu vực châu Á-Thái Bình Dương là tìm kiếm hòa bình, củng cố hợp tác và khuyến khích phát triển. Cách tiếp cận thiên về quân sự và nghị trình an ninh hoặc tăng cường triển khai quân sự và tăng cường liên minh quân sự là không thích hợp. Châu Á-Thái Bình Dương là khu vực mà lợi ích của Trung Quốc và lợi ích của Mỹ chồng chéo lên nhau và chúng tôi hoan nghênh Mỹ đóng một vai trò xây dựng trong khu vực. Chúng tôi cũng hy vọng rằng phía Mỹ sẽ tôn trọng lợi ích và quan ngại của tất cả các bên trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Trung Quốc.”



Tàu đánh cá Trung Quốc ở bãi Scarborough vẫn hoạt động bình thường. Hôm 6/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân cho biết, tàu công vụ Philippines ra khỏi lòng đầm phá ngày 3/6 và 2 tàu công vụ Trung Quốc ra khỏi lòng đầm phá Scarborough hôm 5/6. Do sinh thái bên trong đầm phá Scarborough yếu, phía Trung Quốc hạn chế cho phép tàu thuyền lớn hoạt động ở đây. Hiện tại, các tàu cá Trung Quốc đang hoạt động bình thường trong lòng đầm phá mà không bị quấy rối. Trong khi đó, các tàu công vụ Trung Quốc vẫn thường trực tuần tra trên vùng biển ngoài bãi Scarborough để quản lý và hỗ trợ cho tàu cá Trung Quốc.

Trung Quốc "cảnh giác cao" với chiến lược châu Á của Mỹ. Trước tuyên bố của Bộ trưởng quốc phòng Mỹ rằng sẽ điều chuyển 60% số tàu chiến tới châu Á Thái Bình Dương vào cuối thập kỷ này, Trung tướng Nhậm Hải Tuyền, trưởng đoàn Trung Quốc tại đối thoại an ninh khu vực ở Singapore, cho biết “Trước tiên, chúng ta không nên coi đây là một thảm họa. Tôi tin rằng đây là động thái đối phó của Hoa Kỳ với những lợi ích quốc gia của chính họ, những khó khăn về tài khóa của họ và sự phát triển của an ninh toàn cầu. Câu trả lời thứ hai của tôi là chúng tôi không nên đón nhận điều này một cách thờ ơ. Chúng tôi phải nhận ra rằng chúng tôi đang đối mặt với tình hình phát triển vô cùng phức tạp mà có khi ai đó có thể nhận xét là khá nghiêm trọng; chúng tôi phải nâng cao nhận thức của mình về những mối nguy và chuẩn bị để đối phó với tất cả các tình huống phức tạp và nghiêm trọng.”

“Đừng có khuấy động Biển Đông” Tự do hàng hải ở Biển Đông chưa hề bị ngăn trở mặc dù đang xảy ra tranh cãi về vùng biển chiến lược và đông đúc này. Sự thổi phồng mối đe dọa Trung Quốc đối với tự do hàng hải ở Biển Đông thuần túy là một sự bịa đặt. Thật ngây thơ  khi đưa ra ý kiến cho rằng Trung Quốc có ý định ngăn chặn Mỹ vào cửa trước của châu Á khi dựng bức tường Berlin dọc theo Thái Bình Dương. Bất chấp Washington đang tính toán những phương kế bí ẩn, Bắc Kinh vẫn hy vọng Mỹ sẽ đóng một vai trò tích cực và mang tính xây dựng trong khu vực này. Về căng thẳng ở Biển Đông, không biết có phải thái độ mới đây của Mỹ khuyến khích việc châm ngòi và làm bùng lên ngọn lửa trong khu vực này hay không, thế nhưng phản ứng chừng mực và có trách nhiệm của Trung Quốc đã ngăn chặn các vấn đề thuộc về ngư trường vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Chính sách của Bắc Kinh về biển Đông là trước sau như một, Chính phủ Trung Quốc cam kết tìm kiếm một giải pháp ôn hòa để giải quyết các cuộc tranh chấp và mong muốn biến biển Đông thành vùng biển hòa bình, hữu nghị và hợp tác.

“Tại sao Mỹ gia nhập Công ước Luật Biển vào thời điểm này” của Giáo sư Đại học Quốc phòng Trung Quốc Hàn Húc Đông. Có 4 lý do. Thứ nhất, để phục vụ chiến lược biển của Mỹ chuyển từ khống chế biển xa sang đóng vai trò chủ đạo ở biển gần. Thứ hai, để tăng cường sự hiện diện của lực lượng Mỹ ở vùng giáp với lục địa và biển Châu Á-Thái Bình Dương. Thứ ba, để tăng cường can thiệp vào Biển Đông. Thứ tư, để duy trì bá quyền của Mỹ trên lục địa và trên biển. Panetta đã từng phát biểu, nếu Mỹ muốn tiếp tục vai trò lãnh đạo của một cường quốc biển trên thế giới thì cần gia nhập Công ước, từ đó Mỹ mới có thể làm chủ đạo trong các cơ chế ra quyết sách trong khuôn khổ Công ước, có lợi cho Mỹ khi tham gia quá trình hình thành trật tự mới trên biển. (Theo Tạp chí Liêu Vọng ngày 4/6)


“Chiến tranh ở Biển Đông: Tháng 9 hoặc tháng 12?” Philippines không muốn gây chiến với Trung Quốc, không có nghĩa là Philippines và Trung Quốc không xảy ra xung đột. Xung đột giữa Trung Quốc và Philippines ở Biển Đông không chỉ là vấn đề song phương giữa Trung Quốc và Philippines mà là một cục diện đa phương. Việc Trung Quốc xử lý tranh chấp với Philippines sẽ uốn nắn quan hệ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng ven biển khác. Do đó, đánh một trận là vấn đề sớm muộn không thể né tránh. Giải quyết tranh chấp với Philippines, thời điểm tố nhất là khoảng tháng 9 hoặc tháng 12. Tất nhiên còn phải xem Đại hội Đảng 18 và thái độ của Philippines thời gian tới. (Theo Báo "Tài chính quốc tế" ngày 5/6).

“Mỹ nên giữ tiếng nói hạn chế trong vấn đề Biển Đông.” Điều cần thiết là phải vạch ra giới hạn đỏ cho Mỹ trong vấn đề Biển Đông, trong đó an toàn hàng hải ở Biển Đông được duy trì, các tranh chấp biển được giải quyết hòa bình và một cơ chế an ninh mới sẽ dần được thiết lập ở Châu Á. Trung Quốc sẽ không cho phép Mỹ can thiệp vào tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông giữa Trung Quốc và các nước khác. Việc giải quyết tranh chấp Biển Đông không cần đến trọng tài. Trung Quốc chưa bao giờ tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ Biển Đông; không tìm kiếm bá quyền trong vấn đề Biển Đông và tin rằng vấn đề Biển Đông chỉ có thể được giải quyết thông qua đàm phán giữa các bên liên quan. Mọi sự can thiệp từ các thế lực bên ngoài sẽ chỉ làm vấn đề thêm phức tạp, gia tăng xung đột. Cần phải đặt giới hạn đỏ cho Mỹ để nước này biết việc gì có thể làm và việc gì không nên làm. Điều này sẽ giúp cho cả lợi ích của Mỹ và các nước khác.

Tình báo Trung Quốc cảnh báo quan hệ Mỹ-Australia. Cơ quan tình báo quân sự Trung Quốc cảnh báo Australia về những rủi ro xung quanh việc vừa thúc đẩy quan hệ quân sự với Mỹ, trong khi vẫn duy trì ràng buộc kinh tế với Trung Quốc. Bộ trưởng Quốc phòng Australia Stephen Smith, đang có chuyến thăm đến Trung Quốc, sẽ phải đối mặt với những cáo buộc từ giới quân sự đầy hoài nghi ở Bắc Kinh rằng Australia đang “đặt hai chân lên hai con thuyền khác nhau''. Về phần mình, bộ trưởng Smith khẳng định, vẫn có thể vừa duy trì quan hệ quân sự với Mỹ, vừa đào sâu quan hệ trong đó có hợp tác quân sự với Trung Quốc. Ông bác bỏ quan điểm rằng, Australia có một "liên minh kiểu Chiến tranh lạnh" với Mỹ hoặc làm việc với Mỹ để kiềm chế Trung Quốc. “Các câu hỏi có thể tiếp tục xuất hiện nhưng việc phân tích và câu trả lời chính xác vẫn giống nhau.Tôi không tin có thể kiềm chế một đất nước 1,3 tỉ dân cho dù là với Trung Quốc hay Ấn Độ".

[+] Việt Nam:

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh ‘phải có cách hiểu và luận giải giống nhau về luật pháp quốc tế.’ Trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao An ninh châu Á lần thứ 11, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh phát biểu: “Chúng ta thường nghe tới cụm từ 'tiêu chuẩn kép,' đó chính là hậu quả của việc hiểu và luận giải không giống nhau về luật pháp quốc tế." Không được sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực là điều tiên quyết song các nước cũng không được sử dụng, đe dọa sử dụng sức mạnh “mềm” như cô lập kinh tế trong việc giải quyết các tranh chấp trên biển. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam cũng nhấn mạnh “tranh chấp chủ quyền trên biển cần được giải quyết trực tiếp giữa các bên liên quan và công khai minh bạch trong môi trường quốc tế."


Việt Nam khánh thành cờ Tổ quốc bằng gốm ở Trường Sa. Ngày 6-6, Thượng tá Đinh Văn Hải, đảo trưởng đảo Trường Sa lớn cho biết: Sáng cùng ngày, tại đảo đã diễn ra lễ khánh thành công trình lá cờ Tổ quốc bằng gốm phủ men lớn nhất Việt Nam. Lá cờ có kích thước 12,4 x 25 m được thực hiện trên mái nhà hội trường của đảo Trường Sa lớn.

[+] Philippines:

Tổng thống Philippines đi thăm Vương quốc Anh và Hoa Kỳ. Ông Benigno S. Aquino III sẽ có Chuyến thăm Làm việc tại Luân đôn, Vương Quốc Anh từ ngày 4-6/6, và Chuyến thăm Nhà nước tới Hoa Kỳ từ ngày 7-10/6 theo lời mời của Tổng thống Hoa kỳ Barack H.Obama. Đây là chuyến công du nước ngoài lần thứ 15 của ông Aquino kể từ khi được bổ nhiệm vào chức vụ  Tổng thống  vào 30 tháng 6 năm 2010.


Thứ trưởng Quốc phòng Philippines: ‘Quân đội Mỹ có thể sử dụng căn cứ Subic, Clark.’ Sau cuộc gặp với chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Martin Dempsey ngày 4/6, Thứ trưởng Quốc phòng Honorio Azcueta cho biết, “Binh sĩ, tàu chiến, máy bay của Mỹ có thể dùng lại căn cứ hải quân và không quân cũ của mình tại Subic, Zambales và Clark Field ở Pampanga, nếu họ được Chính phủ Philippines đồng ý.” Ông Azcueta nhận định rằng nếu Mỹ chuyển chiến lược sang tập trung nhiều hơn vào châu Á - Thái Bình Dương, khu vực này sẽ có thêm những hợp tác quân sự giữa hai đồng minh lâu năm.

[+] Mỹ:

Tướng Mỹ ‘Chiến lược trọng tâm châu Á không nhằm kiềm chế Trung Quốc.’ Sau chuyến công du 3 nước châu Á Singapore, Thái Lan và Philippines, phát biểu tại cuộc họp báo ở Lầu Năm Góc ngày 7/6, tướng Martin Dempsey - Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ - tuyên bố: “Chiến lược mới của chúng tôi và việc tái cân bằng lực lượng ở châu Á không nhằm mục đích kiềm chế Trung Quốc. Theo đó, chiến lược mới của Mỹ ở Châu Á-Thái Bình Dương sẽ xoay quanh “3 chữ nhiều hơn”, đó là, quan tâm nhiều hơn, can dự nhiều hơn và chất lượng hơn. Mỹ cũng đang hướng tới việc triển khai quân đến Châu Á trên cơ sở luân phiên chứ không phải đóng thường trú tại các căn cứ như trước đây.

Mỹ giúp Philippines xây dựng Trung tâm Giám sát Bờ Biển. Kết thúc cuộc gặp với Tổng thống Philippines Aquino tại Bộ Ngoại giao Mỹ, Ngoại trưởng Hilary tuyên bố, Mỹ sẽ giúp đỡ Philippines xây dựng, trang bị và tiến hành đào tạo một trung tâm Giám sát Bờ biển quốc gia mới. Ngoài ra, Ngoại trưởng Clinton cũng nói rằng: “Mỹ sẽ không can thiệp vào tranh chấp chủ quyền lãnh thổ tại Biển Đông. Tuy nhiên, Mỹ có lợi ích rõ ràng trong việc duy trì hòa bình và ổn định, tự do hàng hải, tôn trọng luật pháp quốc tế và quyền thương mại hợp pháp tại khu vực Biển Đông. Trong bối cảnh đó, chúng tôi hoan nghênh các bước đi ban đầu nhằm xoa dịu căng thẳng tại khu vực bãi cạn Scarborough, đồng thời khuyến khích đối thoại ngoại giao để tiếp tục giảm bớt căng thẳng và giải quyết tình hình một cách hòa bình."


Mỹ cam kết tăng cường hiện diện ở Philippines. Thứ trưởng Quốc phòng Philippines Honorio Azcueta cho biết, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Martin Dempsey đưa ra cam kết trên khi tới thăm trại Aguinaldo ngày 4/6. “Họ sẽ tiếp tục tăng cường sự hiện diện luân phiên ở đây và chúng tôi rất hoan nghênh đặc biệt vào thời điểm này khi mùa mưa bão bắt đầu, và chúng tôi muốn họ hỗ trợ phản ứng với thảm họa”, ông Azcueta nói với báo chí sau cuộc gặp với tướng Mỹ. Tại cuộc gặp, quan chức Philippines cũng đã đưa cho tướng Mỹ một “danh sách mong muốn” các trang thiết bị cần thiết để tăng cường khả năng phòng thủ, trong đó có rađa tầm xa.

[+] Ấn Độ:

Ấn độ ủng hộ tự do hàng hải ở Biển Đông. Trả lời phỏng vấn của các phóng viên tại New Delhi hôm 8/6, Bộ trưởng quốc phòng AK Antony cho biết Ấn Độ tin tưởng vào tự do hàng hải không bị cản trở ở các vùng biển quốc tế. Ông Antony cũng nói rằng tranh chấp lãnh hải giữa các nước nên được dàn xếp bằng thảo luận và đàm phán mà không cần đến sự can thiệp của một nước thứ ba, đồng thời nhấn mạnh đến tầm quan trọng của luật pháp quốc tế đối với các vấn đề hàng hải.

II. Quan hệ các nước

Hải quân Việt Nam, Trung Quốc tuần tra chung ở Biển Đông. Đợt tuần tra liên hợp lần thứ 13 diễn ra trong 5 ngày giữa Hải quân nhân dân Việt Nam và Hải quân quân giải phóng nhân dân Trung Quốc đã bắt đầu từ chiều 4-6. Tham gia thực hiện đợt tuần tra liên hợp, về phía biên đội tàu Việt Nam có kỳ hạm HQ 861 và tàu kỳ viên HQ 862 thuộc Hải đội 314, Lữ đoàn 161, Bộ tư lệnh Vùng C Hải quân. Phía Trung Quốc là hai tàu tên lửa 752 và 753. Lần đầu tiên, trong đợt tuần tra liên hợp này, các tàu của hai bên cũng sẽ thực hiện nhiệm vụ diễn tập chống cướp biển.

Mỹ - Philippines ủng hộ tự do hàng hải ở Biển Đông. Ngày 8/6, Tuyên bố chung của Nhà Trắng sau cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và người đồng cấp Philippines Benigno Aquino cho biết, lãnh đạo hai nước khẳng định cam kết tăng cường mối quan hệ song phương. Tổng thống Obama khẳng định Mỹ ủng hộ các nỗ lực của Philippines trong việc xây dựng năng lực quốc phòng đáng tin cậy ở mức tối thiểu. Đề cập tình hình Biển Đông, tuyên bố nêu rõ Tổng thống Obama và người đồng cấp Aquino nhấn mạnh tầm quan trọng của các nguyên tắc bảo đảm tự do hàng hải, tôn trọng luật pháp quốc tế và thương mại hợp pháp không bị cản trở trên biển Đông. Hai bên ủng hộ quá trình đàm phán giải quyết tranh chấp lãnh thổ phù hợp luật pháp quốc tế, không đe dọa sử dụng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực.

Philippines, Trung Quốc hạ nhiệt tranh chấp Bãi Scarborough. Ngày 5/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez cho biết, hai tàu công vụ Trung Quốc đã rời khỏi khu vực phá ở trung tâm bãi cạn Scarborough. Trong khi đó, một tàu của Cục Nghề cá Philippines cũng rút khỏi khu vực này. Hai tàu của Trung Quốc nhập với 6 tàu khác của nước này ở ngay phía ngoài khu vực bãi cạn Scarborough. Chiếc tàu của Philippines thì cùng với một tàu khác của nước này đậu cách đó không xa. Theo người phát ngôn Hernandez, vẫn còn 30 tàu cá Trung Quốc tại bãi cạn tranh chấp, trong khi không có tàu cá hay ngư dân Philippines nào tại đây.

Hội thảo về Biển Đông tại New York, Mỹ. Chiều 4/6, Hội châu Á đã tổ chức hội thảo với chủ đề "Các tuyến đường biển và Tuyên bố Chủ quyền." Các đại biểu tham dự đều nhấn mạnh cạnh tranh tuyên bố chủ quyền và năng lượng đã và đang trở thành nguồn gốc gây căng thẳng giữa các nước, đe dọa việc đi lại của tàu thuyền các nước qua tuyến đường biển Đông. Các đại biểu cũng cho rằng, các nước tuyên bố chủ quyền biển Đông nên tuân thủ Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) và Tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) tháng 11/2002, trên cơ sở đó tiến hành các cuộc đàm phán nhằm giải quyết tranh chấp chủ quyền biển Đông một cách hòa bình và các bên cùng có lợi.


0 comments: