Trong lời tựa bài viết về ông Trần Xuân Giá đăng trong cuốn sách kỷ niệm 15 năm thành lập Ngân hàng Cổ phần Á Châu (ACB) có đoạn: “Ở tuổi ‘thất thập cổ lai hy’ ông lại bắt đầu ‘khởi nghiệp’ khi tham gia vào HĐQT một ngân hàng cổ phần. Có người nghĩ ông giàu có, nhưng thật ra ông chẳng sở hữu một cổ phiếu nào của ngân hàng. Ông làm việc chỉ vì không thể dừng suy nghĩ”.
Thời điểm ông Trần Xuân Giá về hưu, thôi làm việc tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư là ngày 1/10/2006. Tính đến nay, ông Giá đã có gần 4 năm làm Chủ tịch HĐQT tạiACB và hơn 1 năm làm cố vấn cho nhà băng này. Khi về hưu, ông Giá cho biết có nhiều lựa chọn công việc: viết sách, báo, hồi ký hay quay lại với nghề cũ là giáo viên. Trước khi thành quan chức Chính phủ, ông Trần Xuân Giá có thâm niên 16 năm nghề giáo. Nhưng sau đó, quyết định rẽ sang làm ngân hàng của ông khiến không ít người bất ngờ.
Cựu Chủ tịch ACB từng chia sẻ: “Thực sự mình có nhu cầu làm việc, không phải vì thu nhập bởi ngoài lương hưu, nếu còn thiếu con mình đủ sức đảm bảo cuộc sống cho hai vợ chồng già. Trong khi đó, nhiều nơi lại cần mình, vậy tại sao không”. Đây cũng là lý do, ông chọn “bến đỗ” mới là Ngân hàng Á Châu, và cho hay, dù ngân hàng là lĩnh vực mới, nhưng lại tương đối gần gũi. Hơn nữa, cái duyên với ACB của nguyên lãnh đạo cấp cao Bộ Kế hoạch và Đầu tư là sự hiểu biết khá rõ về nhà băng này, qua các mối quan hệ với lãnh đạo ACB từ lúc ngân hàng mới thành lập. Thực tế, trước khi làm Chủ tịch HĐQT ACB, ông Giá đã có 1 năm làm việc tại đây với vai trò cố vấn.
Xuất hiện trong Giai phẩm Xuân Kỷ Sửu 2009 của nhà băng này, khi trả lời về chiến lược của ACB, ông Trần Xuân Giá nhận định, 2008 là năm khó khăn đối với toàn nền kinh tế, không riêng gì ngành ngân hàng. Ông Giá nhận định: “Trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào, những ai biết vượt lên chính mình để ‘biến họa thành phúc’, người đó chắc chắn sẽ thành công”.
Theo báo cáo thường niên năm 2011 của ACB, ông Lê Vũ kỳ đã có 15 năm đảm nhiệm các chức vụ tại nhà băng này. Ông tham gia vào ban lãnh đạo của ACB từ năm 1997 dưới cương vị Phó tổng giám đốc, cho đến năm 2008 thì giữ chức Phó chủ tịch HĐQT. Ngoài ra, vị lãnh đạo này còn là thành viên thường trực HĐQT, thành viên thường trực Ủy ban Tín dụng, thành viên Ủy ban Nhân sự, Chủ tịch Hội đồng Đầu tư và Phó chủ tịch Hội đồng xử lý rủi ro của ACB.
Có bằng tiến sĩ Toán lý thuộc Đại học Tổng hợp Moscow, Liên Xô, ông Lê Vũ Kỳ đã kinh qua nhiều vị trí khác nhau trong các doanh nghiệp thuộc nhiều ngành kinh tế tại Việt Nam. Cựu Phó chủ tịch ACB có 4 năm (từ 1989 đến 1992) giữ cương vị Quyền Tổng giám đốc Công ty FPT trước khi chuyển sang làm cán bộ Tổng công ty Dệt - May Việt Nam.
Năm 1997, ông Kỳ về ACB phụ trách mảng Công nghệ thông tin đúng vào thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính châu Á. Vị này từng chia sẻ những khó khăn trong thời kỳ đầu triển khai chương trình Core Banking tại ACB là "một cuộc cải cách, thực hiện nửa vời thì không chỉ mất tiền bạc, thời gian mà còn ảnh hưởng đến hoạt động ngân hàng". Năm 2006, cựu Phó chủ tịch HĐQT ACB được Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế (IDG) trao giải Nhà lãnh đạo Công nghệ thông tin (CIO) xuất sắc khu vực Đông Dương.
Cựu Phó chủ tịch ACB - ông Trịnh Kim Quang từng có 10 năm làm nghề giáo. Sau khi rời giảng đường Đại học Kinh tế TP HCM, ông Quang đã chuyển công tác 2 lần trong vòng 4 năm, làm việc tại SJC và công ty Việt Thương, trước khi đầu quân cho ACB dưới cương vị Phó tổng giám đốc ngân hàng.
Là một trong những nhân vật gắn bó với ACB từ những ngày đầu tiên, ông Quang đã đồng hành cùng nhà băng này gần 20 năm. Sau 5 năm tại vị trên ghế Phó tổng giám đốc, đến năm 1998, ông Quang trở thành Thành viên HĐQT ACB kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Chứng khoán ACB. Ngoài ra, vị này cũng là thành viên trong Hội đồng sáng lập, Phó Chủ tịch Ủy ban tín dụng, thành viên Ủy ban Nhân sự và Thành viên Hội đồng đầu tư của ACB.
0 comments:
Đăng nhận xét